Miễn, giảm thi hành án dân sự đối với các khoản án phí, tiền phạt
Miễn, giảm thi hành án dân sự đối với các khoản án phí, tiền phạt được quy định tại Điều 18 Nghị định 173/2004/NĐ-CP về thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự như sau:
1. Người phải thi hành án được coi là không có tài sản, thu nhập hoặc điều kiện khác để thi hành án khi có 1 trong các điều kiện quy định tại điểm a (trừ trường hợp người phải thi hành án có tài sản chung nhưng chưa được phân chia hoặc tài sản vì lý do khách quan nên không xử lý được để thi hành án) hoặc điểm b khoản 2 Điều 8 của Nghị định này.
Người phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thu lợi bất chính lớn nói tại điểm a khoản 1 Điều 32 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự được xác định theo quy định của Bộ luật Hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Việc xét miễn thi hành án được áp dụng trong những trường hợp sau đây:
a) Người phải thi hành án có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 32 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự và khoản 1 Điều này có số tiền phải thi hành án còn lại từ hai mươi triệu đồng trở xuống;
b) Người bị kết án hình phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể chấp hành hình phạt tiền còn lại hoặc lập công lớn thì việc xét miễn thi hành án được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 58 của Bộ luật Hình sự.
3. Việc xét giảm thi hành án được áp dụng khi người phải thi hành án có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 32 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự và khoản 1 của Điều này trong những trường hợp sau đây:
a) Đối với số tiền phải thi hành án còn lại trên hai mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng thì được xét giảm thi hành án, nhưng mỗi lần giảm không quá 1/2 số tiền còn lại phải thi hành án;
b) Đối với số tiền phải thi hành án còn lại trên năm trăm triệu đồng đến một tỷ đồng thì được xét giảm thi hành án, nhưng mỗi lần giảm không quá 1/3 số tiền còn lại phải thi hành án;
c) Đối với số tiền còn lại phải thi hành trên một tỷ đồng thì được xét giảm thi hành án, nhưng mỗi lần giảm không quá 1/5 số tiền còn lại phải thi hành án.
4. Việc xem xét miễn, giảm thi hành án được tiến hành hàng quý trong năm, nhưng mỗi đối tượng thi hành án chỉ được xem xét miễn, giảm không quá một lần trong một năm.
5. Cơ quan thi hành án đang thụ lý thi hành vụ việc lập hồ sơ xét miễn, giảm thi hành án, kể cả trường hợp vụ việc đã được chuyển giao cho Uỷ ban nhân dân cấp xã đôn đốc thi hành.
6. Quyết định xét miễn, giảm thi hành án sẽ bị hủy bỏ trong trường hợp phát hiện người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, cất giấu tài sản để trốn tránh việc thi hành án dẫn đến việc xét miễn, giảm thi hành án không đúng thực tế.
Bộ Tư pháp phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục xét miễn, giảm thi hành án.
Trên đây là nội dung quy định về việc miễn, giảm thi hành án dân sự đối với các khoản án phí, tiền phạt. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 173/2004/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật