Hoãn thi hành án dân sự
Hoãn thi hành án dân sự được quy định tại Điều 14 Nghị định 173/2004/NĐ-CP về thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự như sau:
1. Trong trường hợp chủ động thi hành án thì thời hạn hoãn thi hành án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 26 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự không quá chín mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn thi hành án; trường hợp người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù hoặc chưa xác định được địa chỉ của họ thì thời hạn hoãn có thể quá chín mươi ngày. Trong thời gian hoãn thi hành án, nếu phát hiện thấy người phải thi hành án có điều kiện thi hành án hoặc đã hết thời hạn hoãn thi hành án thì cơ quan thi hành án phải ra quyết định tiếp tục thi hành án.
2. Trong trường hợp tài sản kê biên có tranh chấp đang được Toà án thụ lý, giải quyết, thời hạn hoãn thi hành án được tính từ ngày Toà án thụ lý vụ việc đến khi bản án, quyết định của Toà án về việc giải quyết tranh chấp đó có hiệu lực thi hành.
3. Trong trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu của người phải thi hành án thì cơ quan thi hành án chỉ chấp nhận đề nghị hoãn thi hành án của người được thi hành án, nếu được sự đồng ý của người phải thi hành án.
Yêu cầu hoặc đồng ý hoãn thi hành án của đương sự phải được thể hiện bằng văn bản, ghi rõ nội dung yêu cầu và thời hạn hoãn thi hành án, có chữ ký của các đương sự.
Khi điều kiện hoãn thi hành án không còn, Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định tiếp tục thi hành án.
4. Trong trường hợp hoãn thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 26 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự thì việc yêu cầu hoãn thi hành án phải được thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành án, ghi rõ thời hạn hoãn thi hành án. Văn bản yêu cầu hoãn thi hành án phải do người có thẩm quyền kháng nghị ký. Trong trường hợp đã có văn bản mà cần thông báo ngay bằng điện thoại, điện tín thì phải thông báo cho cơ quan thi hành án nơi tổ chức thi hành vụ việc đó biết số, ngày, tháng, năm của văn bản; nội dung của văn bản và người ký văn bản đó.
Khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án, trong thời hạn không quá một ngày làm việc cơ quan thi hành án phải ra quyết định hoãn thi hành án.
Trường hợp khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án, nhưng vụ việc đang được tổ chức cưỡng chế thi hành án nếu xét thấy việc dừng cưỡng chế thi hành án sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự thì cơ quan thi hành án tiếp tục thực hiện biện pháp cưỡng chế thi hành án, nhưng phải thông báo ngay cho người đã yêu cầu hoãn thi hành án và cơ quan thi hành án cấp trên biết. Nếu vụ việc đã được thi hành một phần hay thi hành xong thì trong thời hạn không quá ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đó, Thủ trưởng cơ quan thi hành án nơi tổ chức thi hành phải có văn bản thông báo cho người đã yêu cầu hoãn thi hành án biết.
Khi nhận được văn bản của người có thẩm quyền về việc không có cơ sở để xem xét kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, hoặc hết thời gian hoãn thi hành án mà bản án, quyết định không bị kháng nghị hay không bị tạm đình chỉ thi hành án theo quy định tại Điều 27 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định tiếp tục thi hành án và thông báo bằng văn bản cho người đã yêu cầu hoãn thi hành án biết.
Trên đây là nội dung quy định về việc hoãn thi hành án dân sự. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 173/2004/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật