Hướng dẫn thủ tục nhập khẩu linh kiện máy xạ trị gia tốc
1. Về chính sách mặt hàng:
- Căn cứ Khoản 2 Điều 40 Nghị định số 36/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ quy định:
“Điều 40. Nguyên tắc quản lý xuất khẩu, nhập khẩu trang thiết bị y tế
...2. Trang thiết bị y tế đã có số lưu hành tại Việt Nam được xuất khẩu, nhập khẩu theo nhu cầu, không hạn chế số lượng và không phải qua Bộ Y tế phê duyệt”.
- Căn cứ Khoản 2 Điều 41 Nghị định số 36/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ quy định:
“Điều 41. Xuất khẩu, nhập khẩu trang thiết bị y tế
2. Tổ chức, cá nhân thực hiện nhập khẩu trang thiết bị y tế đã có số lưu hành phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Là chủ sở hữu số lưu hành hoặc có giấy ủy quyền của chủ sở hữu số lưu hành. Chủ sở hữu số lưu hành khi ủy quyền cho cơ sở nhập khẩu thực hiện việc nhập khẩu trang thiết bị y tế phải đồng thời gửi văn bản ủy quyền đó cho Bộ Y tế và cơ quan hải quan;
b) Có kho đáp ứng yêu cầu theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định này và có phương tiện vận chuyển đáp ứng yêu cầu theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Nghị định này hoặc có hợp đồng với cơ sở có đủ năng lực để bảo quản và vận chuyển trang thiết bị y tế.
3. Trình tự, thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu trang thiết bị y tế thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan. Tổ chức nhập khẩu trang thiết bị y tế không phải chứng minh việc đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều này khi thực hiện thủ tục hải quan”.
-Căn cứ Điều 42 Nghị định số 36/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ quy định:
“Điều 42. Giấy phép nhập khẩu
1. Các trường hợp trang thiết bị y tế phải có giấy phép nhập khẩu:
a) Chưa có số lưu hành nhập khẩu để nghiên cứu khoa học hoặc kiểm nghiệm hoặc hướng dẫn sử dụng, sửa chữa trang thiết bị y tế;
b) Chưa có số lưu hành nhập khẩu để phục vụ mục đích viện trợ;
c) Chưa có số lưu hành nhập khẩu để sử dụng cho mục đích chữa bệnh cá nhân”.
2. Về mã HS:
Căn cứ để áp mã số thuế là căn cứ vào hàng hóa thực tế nhập khẩu của công ty tại thời điểm nhập khẩu, trên cơ sở doanh nghiệp cung cấp catalogue, tài liệu kỹ thuật (nếu có) hoặc/và đi giám định tại Cục Kiểm định Hải quan. Kết quả kiểm tra thực tế của hải quan nơi công ty làm thủ tục và kết quả của Cục Kiểm định Hải quan xác định là cơ sở pháp lý và chính xác để áp mã đối với hàng hóa nhập khẩu đó.
Khi phân loại hàng hóa cần tham khảo các quy định sau:
- Sáu (6) quy tắc tổng quát giải thích việc phân loại hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam dựa trên Hệ thống hài hoà mô tả và mã hoá hàng hoá (HS) của Tổ chức Hải quan thế giới ban hành kèm Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính (có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2017).
Để xác định chính xác mã số HS, trước khi làm thủ tục hải quan, công ty có thể đề nghị xác định trước theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính. Hồ sơ gửi trực tiếp đến Tổng cục Hải quan.
Công ty căn cứ thực tế hàng hoá và Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan để áp mã HS và thuế suất ưu đãi nhập khẩu.
Trường hợp hàng hoá nhập khẩu từ các nước, vùng lãnh thổ có quan hệ ưu đãi đặc biệt với Việt Nam và có C/O phù hợp sẽ được áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt tương ứng theo các Biểu thuế hiện hành của Bộ Tài chính.
Thư Viện Pháp Luật