Nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị mua sắm tập trung được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 69 Nghị định 151/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật quản lý, sử dụng tài sản công thì Nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị mua sắm tập trung được quy định như sau:
1. Tập hợp nhu cầu, lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản.
2. Tiến hành lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
3. Ký thỏa thuận khung với nhà thầu được lựa chọn cung cấp tài sản, phát hành tài liệu mô tả chi tiết các tài sản được lựa chọn; quy định mẫu hợp đồng mua sắm làm cơ sở cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản ký hợp đồng mua sắm với nhà cung cấp trong trường hợp áp dụng mua sắm tập trung theo cách thức ký thỏa thuận khung; trực tiếp ký hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn cung cấp tài sản trong trường hợp áp dụng mua sắm tập trung theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp.
4. Tổ chức thực hiện hoặc tham gia bàn giao, tiếp nhận tài sản mua sắm tập trung.
5. Công khai việc mua sắm tài sản theo quy định tại Mục 2 Chương XIV Nghị định này.
6. Tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện mua sắm điện tử theo quy định.
7. Cung cấp dịch vụ mua sắm tập trung cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, các doanh nghiệp nhà nước chưa hình thành đơn vị mua sắm tập trung hoặc cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ mua sắm tài sản cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp có nhu cầu.
8. Giám sát việc thực hiện thỏa thuận khung, hợp đồng của các nhà thầu được lựa chọn; tiếp nhận, xử lý thông tin phản hồi từ các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản.
9. Thực hiện trách nhiệm của chủ đầu tư, trách nhiệm của bên mời thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Trên đây là nội dung tư vấn về Nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị mua sắm tập trung. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 151/2017/NĐ-CP.
Trân trọng!