Hướng dẫn thủ tục xuất khẩu mẫu đất, cụm cây lúa và trứng rầy nâu sang Thụy Sỹ nhằm mục đích khảo nghiệm
1. Đối với mặt hàng mẫu đất
Do công ty không nêu rõ tính chất, đặc điểm của mẫu đất (đất hiếm, đất sét, cao lanh....) nên tổ tư vấn không thể tư vấn về chính sách mặt hàng xuất khẩu là mẫu đất như công ty nêu. Hiện tại, theo quy định Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ và Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT ngày 12/02/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa nêu rõ chính sách quản lý xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện đối với mặt hàng “mẫu đất” nói chung. Do đó, để được hướng dẫn chi tiết, công ty có thể gửi vướng mắc đến các cơ quan có thẩm quyền để được hướng dẫn.
Ngoài ra, tuỳ thuộc từng loại đất được định danh và quy định chính sách quản lý cụ thể, công ty có thể tham khảo các quy định sau để thực hiện:
+ Thông tư số 12/2015/TT-BCT ngày 05/07/2016 của Bộ Công thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 41/2012/TT-BCT ngày 21 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về xuất khẩu khoáng sản
+ Thông tư số 04/2012/TT-BXD ngày 20/09/2012 của Bộ Xây dựng về xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
2. Đối với mặt hàng cụm cây lúa
Căn cứ điều 13 Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT ngày 12/02/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định:
“Điều 13. Xuất khẩu giống cây trồng
1. Cấm xuất khẩu:
Thương nhân không được xuất khẩu giống cây trồng có trong Danh mục giống cây trồng quý hiếm cấm xuất khẩu theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Xuất khẩu có giấy phép:
a) Thương nhân xuất khẩu giống cây trồng có trong Danh mục nguồn gen cây trồng quý hiếm trao đổi quốc tế trong trường hợp đặc biệt và Danh mục nguồn gen cây trồng quý hiếm hạn chế trao đổi quốc tế theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Thương nhân xuất khẩu giống cây trồng không có trong Danh mục quy định tại khoản 1, điểm a Khoản 2 Điều này và Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam phải được Tổng cục Lâm nghiệp (đối với giống cây trồng lâm nghiệp) hoặc Cục Trồng trọt (đối với giống cây trồng nông nghiệp) cấp phép.
3. Xuất khẩu không cần giấy phép:
Thương nhân xuất khẩu giống cây trồng không thuộc quy định tại các Khoản 1, 2 Điều này, không phải xin phép.
4. Xuất khẩu giống cây trồng nông nghiệp
a) Thành phần hồ sơ:
- Đơn đăng ký xuất khẩu theo mẫu số 01/TT ban hành kèm theo Thông tư này;
- Tờ khai kỹ thuật theo mẫu số 02/TT ban hành kèm theo Thông tư này;
- Bản sao chụp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (đối với trường hợp phải đăng ký) hoặc Giấy chứng nhận đầu tư (đối với trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài); chứng minh thư hoặc hộ chiếu (đối với cá nhân);
- Trường hợp xuất khẩu phục vụ nghiên cứu, hợp tác quốc tế phải bổ sung một (01) bản sao chụp thỏa thuận hợp tác bằng tiếng nước ngoài kèm theo một (01) bản dịch sang tiếng Việt có chữ ký xác nhận của cơ quan dịch thuật hoặc của thương nhân đăng ký nhập khẩu;
- Trường hợp xuất khẩu tham gia hội chợ, triển lãm phải bổ sung một (01) bản sao chụp Giấy xác nhận hoặc Giấy mời tham gia hội trợ, triển lãm bằng tiếng nước ngoài kèm theo một (01) bản dịch sang tiếng Việt có chữ ký xác nhận của cơ quan dịch thuật hoặc của thương nhân đăng ký xuất khẩu;
- Trường hợp xuất khẩu làm quà tặng phải bổ sung một (01) bản sao chụp giấy chứng nhận giữa hai bên bằng tiếng nước ngoài kèm theo một (01) bản dịch sang tiếng Việt có chữ ký xác nhận của cơ quan dịch thuật hoặc của thương nhân đăng ký nhập khẩu.
b) Thời gian bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ chưa đầy đủ: không quá 03 (ba) tháng kể từ ngày nhận hồ sơ lần đầu. Nếu quá thời hạn trên, Thương nhân không bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ thì phải nộp hồ sơ mới.
c) Cơ quan thực hiện:
- Nơi tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả: Bộ phận “một cửa” - Văn phòng Cục Trồng trọt.
- Website: www.cuctrongtrot.gov.vn
- Địa chỉ: Nhà A6A, Số 02 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.
- Điện thoại: 04.3823.4651 Fax: 04.3734.4967.
- Email: [email protected]
5) Xuất khẩu giống cây trồng lâm nghiệp:
Hồ sơ và trình tự thủ tục xuất khẩu giống cây trồng lâm nghiệp được thực hiện theo quy định tại Điều 6 và Điều 30 của Thông tư này”.
Như vậy, khi xuất khẩu cụm cây lúa thì ngoài bộ hồ sơ quy định tại điều 16 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính thì công ty phải thực hiện theo quy định trên.
3. Đối với mặt hàng trứng rầy nâu.
Mặt hàng trứng rầy nâu không thuộc danh mục hàng hoá cấm xuất khẩu hay xuất khẩu có điều kiện theo quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ nên công ty có thể xuất khẩu như hàng hoá thông thường khác. Hồ sơ thủ tục thực hiện theo quy định tại điều 16 và điều 18 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính.
Thư Viện Pháp Luật