Hướng dẫn thủ tục nhập khẩu cây bồ đề
1. Về chính sách mặt hàng
Căn cứ điều 11 và điều 14 Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT ngày 12/02/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định:
“Điều 11. Nhập khẩu mẫu vật động vật, thực vật thuộc các Phụ lục CITES
1. Cấm nhập khẩu
Nghiêm cấm nhập khẩu mẫu vật động vật, thực vật thuộc Phụ lục I CITES có nguồn gốc từ tự nhiên vì mục đích thương mại.
2. Nhập khẩu có giấy phép
a) Mẫu vật các loài động vật, thực vật thuộc Phụ lục I CITES có nguồn gốc từ tự nhiên chỉ được nhập khẩu cho mục đích phục vụ ngoại giao, nghiên cứu khoa học, trao đổi giữa các vườn thú, vườn thực vật, triển lãm, biểu diễn xiếc không vì mục đích lợi nhuận, trao trả mẫu vật giữa Cơ quan Quản lý CITES các nước.
b) Mẫu vật động vật, thực vật thuộc Phụ lục I có nguồn gốc từ trại nuôi sinh sản, cơ sở trồng cấy nhân tạo, mẫu vật quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này và mẫu vật động vật, thực vật thuộc Phụ II và III của Công ước CITES phải được Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam cấp giấy phép.
…Điều 14. Nhập khẩu giống cây trồng
1. Nhập khẩu có giấy phép
Thương nhân nhập khẩu giống cây trồng chưa có tên trong Danh mục giống cây trồng lâm nghiệp được phép sản xuất kinh doanh hoặc Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam, hoặc chưa có văn bản công nhận giống cây trồng lâm nghiệp mới hoặc văn bản công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới phải được Tổng cục Lâm nghiệp hoặc Cục Trồng trọt cấp phép.
2. Nhập khẩu không cần giấy phép
Thương nhân nhập khẩu giống cây trồng có tên trong Danh mục giống cây trồng lâm nghiệp được phép sản xuất kinh doanh hoặc Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam hoặc có văn bản công nhận giống cây trồng lâm nghiệp mới hoặc văn bản công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới được phép sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam, không phải xin phép”.
Cây bồ đề thuộc Danh mục giống cây trồng lâm nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh ban hành kèm theo Quyết định số 14/2005/QĐ-BNN ngày 15/03/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không thuộc mẫu thực vật thuộc các phụ lục Cites ban hành kèm theo Thông số 04/2017/TT-BNNPTNT ngày 24/02/2017 nên khi nhập khẩu không cần giấy phép. Tuy nhiên, mặt hàng cây bồ đề thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo các quy định sau:
+ Cây và các bộ phận còn sống của cây thuộc Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam được quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư 30/2014/TT-BNNPTNT ngày 05/9/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN & PTNT);
+ Giá thể trồng cây có nguồn gốc thực vật thuộc Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật được quy định tại Khoản 2.g Điều 1 Thông tư 30/2014/TT-BNNPTNT ngày 05/9/2014 của Bộ NN & PTNT;
+ Cây cảnh có đất giá thể trong nhóm 5. Giống cây trồng, sinh vật sống thuộc lĩnh vực bảo vệ thực vật và các vật thể khác trong danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam cần có Giấy phép nhập khẩu, với hình thức quản ý là quy định điều kiện và thủ tục cấp giấy phép thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ NN & PTNT đính kèm trong phụ lục II. Danh mục hàng XNK theo giấy phép và thuộc diện quản lý chuyên ngành đính kèm Nghị định 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
2. Mã HS
Căn cứ để áp mã số thuế là căn cứ vào hàng hóa thực tế nhập khẩu của công ty tại thời điểm nhập khẩu, trên cơ sở doanh nghiệp cung cấp tên khoa học, hình ảnh (nếu có) hoặc/và đi giám định tại Cục Kiểm định Hải quan. Kết quả kiểm tra thực tế của hải quan nơi công ty làm thủ tục và kết quả của Cục Kiểm định Hải quan xác định là cơ sở pháp lý và chính xác để áp mã đối với hàng hóa nhập khẩu đó.
Do công ty không cung cấp tên khoa học, catalogue, hình ảnh của hàng hóa nhập khẩu nên Tổ tư vấn không thể có câu trả lời chính xác cho câu hỏi nêu trên.
Căn cứ biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ thì mặt hàng của công ty có thể tham khảo phân nhóm 06.02 - Cây sống khác (kể cả rễ), cành giâm và cành ghép; hệ sợi nấm.
Khi phân loại hàng hóa cần tham khảo các quy định sau:
- Thông tư 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân tích phân loại hàng hóa.
- Chú giải của Hệ thống hài hoà mô tả và mã hoá hàng hóa của Hội đồng hợp tác Hải quan Thế giới.
- Để xác định chính xác mã số HS, trước khi làm thủ tục hải quan, công ty có thể đề nghị xác định trước theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.
Căn cứ vào mã HS của hàng hoá thực tế nhập khẩu công ty tra cứu thuế suất thuế nhập khẩu tại Biều thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ.
Căn cứ vào mã HS của hàng hoá thực tế nhập khẩu công ty tra cứu thuế suất thuế GTGT nhập khẩu ban hành kèm theo Thông tư 83/2014/TT-BTC 26/04/2014 của Bộ Tài chính
3. Về việc thuê đại lý hải quan
Căn cứ khoản 3 điều 5 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định:
“Điều 5. Người khai hải quan
Người khai hải quan gồm:
...3. Người được chủ hàng hóa ủy quyền trong trường hợp hàng hóa là quà biếu, quà tặng của cá nhân; hành lý gửi trước, gửi sau chuyến đi của người xuất cảnh, nhập cảnh.
…5. Đại lý làm thủ tục hải quan”.
Như vậy, trong trường hợp công ty không thể làm thủ tục hải quan thì có thể uỷ quyền cho đại lý hải quan làm thủ tục nhập khẩu hàng hoá.
Thư Viện Pháp Luật