Hướng dẫn thủ tục nhập khẩu máy in văn phòng

Chúng tôi là công ty thương mại có vốn đầu tư nước ngoài 100%, GP đăng ký kinh doanh tại Hà Nội, đồng thời giấy chứng nhận đầu tư có cho phép thực hiện quyền nhập khẩu các mặt hàng có mã HS: 8443 ( Các loại máy in...). Hiện tại chúng tôi dự định nhập khẩu mặt hàng máy in văn phòng có đầy đủ các tính năng copy-scan-photo-fax sau đó bán lại cho doanh nghiệp khác. Vậy khi nhập khẩu bên tôi có phải tiến hành đăng ký kinh doanh ngành in cho Doanh nghiệp theo NĐ 06/2017/NĐ-CP và TT 03/2017/TT-BTTTT nữa không? Ngoài ra, chúng tôi được biết mặt hàng máy in thuộc danh mục hàng hóa nhóm 2 phải kiểm tra HSNL, vậy kết quả kiểm tra sẽ được áp dụng dài hạn cho mặt hàng giống nhau cùng model đúng không ?

Nghị định 06/2017/NĐ-CP ngày 24/1/2017 của Chính phủ quy định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó; Thông tư 03/2017/TT-BTTTT ngày 24/4/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết và hướng dẫn một số Điều của Nghị định 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn Hệ thống thông tin theo cấp độ, không liên quan đến hoạt động nhập khẩu thiết bị in.

Về điều kiện nhập khẩu thiết bị in, Công ty tham khảo Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/06/2014 của Chính phủ, theo đó Điều 27 của Nghị định quy định:

"Điều 27. Nhập khẩu thiết bị in

1. Thiết bị in sau đây khi nhập khẩu phải có giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông:

a) Máy chế bản ghi phim, ghi kẽm, tạo khuôn in;

b) Máy in sử dụng công nghệ kỹ thuật số, ốp-xét (offset), flexo, ống đồng; máy in lưới (lụa);

c) Máy dao xén giấy, máy gấp sách, máy đóng sách (đóng thép hoặc khâu chỉ), máy vào bìa, máy kỵ mã liên hợp, dây chuyền liên hợp hoàn thiện sản phẩm in;

d) Máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu.

2. Đối tượng được nhập khẩu thiết bị in bao gồm:

a) Cơ sở in;

b) Doanh nghiệp có chức năng kinh doanh xuất nhập khẩu thiết bị ngành in theo quy định của pháp luật;

c) Cơ quan, tổ chức khác có tư cách pháp nhân được phép sử dụng thiết bị in để phục vụ công việc nội bộ…..”

Căn cứ quy định trên thì Doanh nghiệp có chức năng kinh doanh xuất nhập khẩu thiết bị ngành in theo quy định của pháp luật thì mới được nhập khẩu thiết bị in. Khi nhập khẩu các thiết bị in thuộc khoản 1 Điều 27 phải có Giấy phép của Bộ Thông tin truyền thông.

Ngoài ra, căn cứ Điều 1, Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg ngày 09/3/2017 của Chính phủ quy định danh mục, phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu quy định:

Điều 1: Danh mục, phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu:

….2 Nhóm thiết bị văn phòng và thương mại gồm: Máy photocopy, màn hình máy tính, máy in, tủ giữ lạnh thương mại, máy tính xách tay.”

Do đó, khi nhập khẩu máy in, Công ty phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu theo quy định của Bộ Công Thương.

Việc sử dụng kết quả kiểm tra sẽ được áp dụng dài hạn cho mặt hàng giống nhau cùng model căn cứ Điều 4 Thông tư 36/2016/TT-BCT ngày 28/12/2016 của Bộ Công thương:

“Điều 4. Thử nghiệm hiệu suất năng lượng

5. Kết quả thử nghiệm là cơ sở để dán nhãn năng lượng cho sản phẩm có cùng model, cùng thông số kỹ thuật, cùng xuất xứ và cùng cơ sở sản xuất. Kết quả thử nghiệm có hiệu lực vô thời hạn, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện có sai phạm trong kết quả thử nghiệm hoặc có sai phạm, vi phạm của tổ chức thử nghiệm.”

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào