Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ việc xử lý tài sản công tại cơ quan nhà nước
Theo quy định tại Điều 36 Nghị định 151/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật quản lý, sử dụng tài sản công thì Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ việc xử lý tài sản công tại cơ quan nhà nước được quy định như sau:
1. Toàn bộ số tiền thu được từ việc xử lý tài sản công tại cơ quan nhà nước (bao gồm cả tiền bồi thường tài sản, nếu có) được nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước do cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công sau đây làm chủ tài khoản:
a) Cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công làm chủ tài khoản quản lý số tiền thu được từ xử lý tài sản công do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xử lý;
b) Sở Tài chính làm chủ tài khoản quản lý số tiền thu được từ xử lý tài sản công do cơ quan, người có thẩm quyền cấp tỉnh quyết định xử lý; tài sản công của cơ quan nhà nước thuộc trung ương quản lý đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trừ tài sản công quy định tại điểm a khoản này;
c) Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện làm chủ tài khoản quản lý số tiền thu được từ xử lý tài sản công do cơ quan, người có thẩm quyền thuộc cấp huyện, cấp xã quyết định xử lý.
2. Tài khoản tạm giữ được theo dõi chi tiết đối với từng cơ quan có tài sản xử lý.
3. Người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức xử lý tài sản công có trách nhiệm lập, phê duyệt dự toán đối với các khoản chi phí liên quan đến việc xử lý tài sản, trừ trường hợp quy định tại khoản 11 Điều này.
4. Nội dung chi phí liên quan đến xử lý tài sản công bao gồm:
a) Chi phí kiểm kê tài sản;
b) Chi phí đo, vẽ nhà, đất;
c) Chi phí định giá và thẩm định giá tài sản;
d) Chi phí di dời, phá dỡ, hủy bỏ, tiêu hủy tài sản;
đ) Thù lao đấu giá trả cho tổ chức đấu giá trong trường hợp đấu giá thành; chi phí đấu giá tài sản trả cho tổ chức đấu giá trong trường hợp đấu giá không thành; chi phí đấu giá trong trường hợp việc tổ chức đấu giá do Hội đồng thực hiện;
e) Chi phí niêm yết, thông báo công khai, cho xem tài sản, lựa chọn người được quyền mua tài sản trong trường hợp bán tài sản theo hình thức niêm yết giá;
g) Chi phí hợp lý khác có liên quan đến xử lý tài sản công.
5. Mức chi:
a) Đối với các nội dung chi đã có tiêu chuẩn, định mức, chế độ do cơ quan, người có thẩm quyền quy định thì thực hiện theo tiêu chuẩn, định mức và chế độ do cơ quan, người có thẩm quyền quy định;
b) Đối với các nội dung thuê dịch vụ liên quan đến xử lý tài sản được thực hiện theo Hợp đồng ký kết theo quy định giữa cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức xử lý tài sản và đơn vị cung cấp dịch vụ. Việc lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến xử lý tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật;
c) Đối với các nội dung chi ngoài phạm vi quy định tại điểm a, điểm b khoản này, người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ xử lý tài sản quyết định mức chi, bảo đảm phù hợp với chế độ quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
6. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nộp tiền vào tài khoản tạm giữ, cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán, thanh lý tài sản có trách nhiệm lập 01 bộ hồ sơ đề nghị thanh toán gửi chủ tài khoản tạm giữ để chi trả chi phí xử lý tài sản. Người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán, thanh lý tài sản chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của khoản chi đề nghị thanh toán.
Hồ sơ đề nghị thanh toán gồm:
a) Văn bản đề nghị thanh toán của cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức xử lý tài sản (trong đó nêu rõ số tiền thu được từ việc xử lý tài sản, tổng chi phí xử lý tài sản, thông tin về tài khoản tiếp nhận thanh toán) kèm theo bảng kê chi tiết các khoản chi: 01 bản chính;
b) Quyết định xử lý tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền: 01 bản sao;
c) Các hồ sơ, giấy tờ chứng minh cho các khoản chi như: Dự toán chi được duyệt; Hợp đồng thuê dịch vụ thẩm định giá, đấu giá, phá dỡ; hóa đơn, phiếu thu tiền (nếu có): 01 bản sao.
7. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, chủ tài khoản tạm giữ có trách nhiệm cấp tiền cho cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán, thanh lý tài sản để thực hiện chi trả các khoản chi phí có liên quan đến việc xử lý tài sản công.
8. Định kỳ hàng quý, chủ tài khoản tạm giữ thực hiện nộp số tiền còn lại đối với các khoản thu từ xử lý tài sản đã hoàn thành việc thanh toán chi phí vào ngân sách trung ương (đối với tiền thu được từ xử lý tài sản của cơ quan nhà nước thuộc trung ương quản lý), ngân sách địa phương (đối với tiền thu được từ xử lý tài sản của cơ quan nhà nước thuộc địa phương quản lý) theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
9. Trường hợp cơ quan nhà nước được cơ quan, người có thẩm quyền cho phép xử lý tài sản công để mua sắm tài sản thay thế theo tiêu chuẩn, định mức hoặc cơ quan nhà nước được bồi thường thiệt hại tài sản bằng tiền thì được cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước ưu tiên bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước để thực hiện.
Trường hợp cơ quan nhà nước được cơ quan, người có thẩm quyền cho phép xử lý tài sản công là trụ sở làm việc và có dự án đầu tư xây dựng, mua sắm, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc hoặc cơ quan nhà nước được bồi thường thiệt hại tài sản bằng tiền thì được cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về ngân sách nhà nước ưu tiên bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công, dự toán chi đầu tư phát triển để thực hiện.
10. Trường hợp số tiền thu được từ bán, thanh lý tài sản không đủ bù đắp chi phí thì phần còn thiếu được chi từ dự toán ngân sách nhà nước giao cho cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán, thanh lý tài sản.
11. Trường hợp phá dỡ trụ sở làm việc cũ để thực hiện dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mới mà chi phí phá dỡ trụ sở làm việc cũ đã được bố trí trong tổng mức đầu tư của dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mới do cơ quan, người có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt thì việc lập, phê duyệt dự toán và thanh toán chi phí xử lý tài sản được thực hiện theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt và quy định của pháp luật có liên quan.
12. Việc quản lý, sử dụng tiền thu được từ xử lý trụ sở làm việc tại cơ quan nhà nước khi thực hiện sắp xếp lại thực hiện theo quy định của Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Trên đây là nội dung tư vấn về Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ việc xử lý tài sản công tại cơ quan nhà nước. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 151/2017/NĐ-CP.
Trân trọng!