Hướng dẫn về điều kiện xuất nhập khẩu và bảo quản hàng nguy hiểm
1/ Về mã HS code:
- Căn cứ để áp mã số thuế là căn cứ vào hàng hóa thực tế nhập khẩu của công ty tại thời điểm nhập khẩu, trên cơ sở doanh nghiệp cung cấp catalogue, tài liệu kỹ thuật (nếu có) hoặc/và đi giám định tại Cục Kiểm định Hải quan. Kết quả kiểm tra thực tế của hải quan nơi công ty làm thủ tục và kết quả của Cục Kiểm định Hải quan xác định là cơ sở pháp lý và chính xác để áp mã đối với hàng hóa nhập khẩu đó.
- Do công ty không cung cấp chi tiết, tài liệu kỹ thuật hay kết quả giám định của hàng hóa nhập khẩu nên Tổ tư vấn không thể có câu trả lời chính xác cho câu hỏi nêu trên.
- Căn cứ Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ, mặt hàng của công ty có thể tham khảo phân loại hệ thống bơm phồng cho túi khí ô tô theo phân nhóm sau:
+ Phân nhóm 870895: - - Túi khí an toàn lắp với hệ thống bơm phồng; bộ phận của nó...
Để xác định chính xác mã số HS, trước khi làm thủ tục hải quan, công ty có thể đề nghị xác định trước theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.
- Căn cứ vào mã HS của hàng hoá thực tế nhập khẩu, công ty tra cứu thuế suất thuế nhập khẩu tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 và tra cứu thuế suất thuế GTGT tại Biểu thuế GTGT theo danh mục hàng hoá nhập khẩu ban hành kèm theo Thông tư số 83/2014/TT-BTC ngày 26/06/2014
-Thủ tục và hồ sơ hải quan thực hiện theo Điều 16, Điều 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.
2/ Về chính sách nhập khẩu:
Công ty căn cứ thực tế hàng hoá, công dụng, công thức cấu tạo, tài liệu kỹ thuật/hoặc kết quả phân tích, giám định ...để thực hiện khai báo trước khai làm thủ tục nhập khẩu.
Trường hoá chất thuộc Phụ lục V - Danh mục hoá chất phải khai báo ban hành kèm Nghị định 26/2011/NĐ-CP ngày 08/04/2011 của Chính phủ có quy định rõ về mã HS của hàng thuộc danh mục này. Đồng thời, đề nghị công kiểm tra các loại hoát chất trong hệ thống bơm phồng cho túi khí có thuộc các phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định 26/2011/NĐ-CP ngày 08/04/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 108/2008/NĐ-CP để xác định có thuộc diện phải khai báo hóa chất hoặc thuộc diện cấm nhập khẩu hoặc hạn chế nhập khẩu hay không.
Trường hợp thuộc các Phụ lục trên thì khi làm thủ tục nhập khẩu Công ty phải xin giấy phép của Bộ Công Thương theo quy định tại các văn bản trên và các quy định có liên quan trước khi làm thủ tục nhập khẩu:
+ Thông tư số 06/2015/TT-BCT ngày 23/04/2015 của Bộ Công thương
+ Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định cụ thể một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất
+ Thông tư số 40/2011/TT-BCT ngày 14 tháng 11 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về khai báo hóa chất.
3/Quy định đối với hàng hóa chịu sự giám sát:
Căn cứ Điều 50 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 03 năm 2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
“Điều 50. Quy định về vận chuyển hàng hóa chịu sự giám sát hải quan
1. Trường hợp áp dụng:
a) Hàng hóa quá cảnh đi qua lãnh thổ đất liền Việt Nam;
b) Hàng hóa chuyển cửa khẩu bao gồm:
b.1) Hàng hoá xuất khẩu đã đăng ký tờ khai hải quan tại Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu được vận chuyển từ địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu đến cửa khẩu xuất; kho ngoại quan; địa điểm thu gom hàng lẻ; cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa;
b.2) Hàng hoá nhập khẩu đã đăng ký tờ khai hải quan tại Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu được vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, khu phi thuế quan;
b.3) Hàng hóa xuất khẩu vận chuyển từ cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa; kho ngoại quan; địa điểm thu gom hàng lẻ; kho hàng không kéo dài đến cửa khẩu xuất;
b.4) Hàng hóa nhập khẩu vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến cảng đích ghi trên vận tải đơn hoặc kho hàng không kéo dài hoặc địa điểm thu gom hàng lẻ hoặc đến cửa khẩu khác;
b.5) Hàng hóa nhập khẩu vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến kho ngoại quan;
b.6) Hàng hóa vận chuyển từ khu phi thuế quan đến cửa khẩu xuất, kho ngoại quan; địa điểm thu gom hàng lẻ; cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa; địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu hoặc đến các khu phi thuế quan khác;
b.7) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vận chuyển từ địa điểm làm thủ tục hải quan này đến địa điểm làm thủ tục hải quan khác.
2. Người khai hải quan chịu trách nhiệm bảo quản nguyên trạng hàng hóa, niêm phong hải quan, trừ trường hợp do đặc điểm hàng hóa không thể niêm phong theo quy định trong quá trình vận chuyển hàng hóa từ nơi hàng hóa khởi hành đến địa điểm đến; vận chuyển hàng hóa theo đúng tuyến đường, thời gian đã đăng ký với cơ quan hải quan.
Trường hợp bất khả kháng không thể đảm bảo nguyên trạng hàng hóa, niêm phong hải quan hoặc không vận chuyển hàng hóa theo đúng tuyến đường, lộ trình, thời gian thì sau khi áp dụng các biện pháp cần thiết để hạn chế và ngăn ngừa tổn thất xảy ra thì người khai hải quan phải thông báo ngay cho cơ quan hải quan nơi gần nhất để xử lý và thông báo cho cơ quan hải quan nơi hàng hóa được vận chuyển đến khi hàng hóa được vận chuyển đến điểm đích đã đăng ký; Trường hợp không thể thông báo ngay với cơ quan hải quan thì tùy theo địa bàn thích hợp thông báo với cơ quan công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển để xác nhận.”
Thư Viện Pháp Luật