Hướng dẫn thủ tục nhập khẩu trang phục phòng cháy chữa cháy
Căn cứ điều 7 và điểm o khoản 2 điều 32 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định:
“Điều 7. Điều kiện bảo đảm chất lượng hàng hoá nhập khẩu trước khi đưa ra thị trường
1. Người nhập khẩu phải thực hiện các yêu cầu về quản lý chất lượng hàng hoá theo quy định tại Điều 34 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá trước khi đưa hàng hoá ra lưu thông trên thị trường, đồng thời có trách nhiệm:
a) Bảo đảm hàng hoá an toàn cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường;
b) Tự xác định và thể hiện thông tin để cảnh báo về nguy cơ gây mất an toàn của hàng hoá.
2. Đối với hàng hóa nhóm 2, người nhập khẩu phải công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Việc chứng nhận hợp quy được thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Việc công bố hợp quy được thực hiện dựa trên một trong các căn cứ sau đây:
a) Kết quả tự đánh giá của người sản xuất, người nhập khẩu;
b) Đánh giá của tổ chức đánh giá sự phù hợp;
c) Chứng nhận hợp quy theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;
d) Kết quả giám định tại cửa khẩu xuất hoặc cửa khẩu nhập của tổ chức chứng nhận, giám định được chỉ định hoặc thừa nhận theo quy định tại Điều 26 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
3. Đối với hàng hoá nhóm 2 có quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến điều kiện của quá trình sản xuất cho sản phẩm, hàng hoá đó thì người nhập khẩu phải cung cấp thêm giấy chứng nhận liên quan đến điều kiện của quá trình sản xuất do tổ chức chứng nhận được chỉ định hoặc tổ chức chứng nhận được thừa nhận cấp.
4. Trường hợp hàng hóa thuộc nhóm 2 có đặc tính mới có tiềm ẩn khả năng gây mất an toàn trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích mà đặc tính mới này chưa được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc hàng hóa lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam tiềm ẩn khả năng gây mất an toàn thì người nhập khẩu có trách nhiệm chứng minh hàng hóa đó an toàn cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường theo quy định của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực. Hàng hóa loại này chỉ được đưa ra lưu thông tin thị trường sau khi được Bộ quản lý ngành, lĩnh vực cho phép.
5. Hàng hoa do doanh nghiệp trong các khu chế xuất sản xuất cho thị trường trong nước được quản lý chất lượng như đối với hàng hoá nhập khẩu.
Điều 32. Trách nhiệm của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá
1. Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hoá quy định tại khoản 1 Điều 70 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
2. Bộ quản lý ngành, lĩnh vực có trách nhiệm thực hiện việc quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm trong sản xuất, cụ thể như sau:
o) Bộ Công an: phòng cháy, chữa cháy, trang thiết bị kỹ thuật, vũ khí, khí tài, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các loại sản phẩm khác sử dụng cho lực lượng công an nhân dân không thuộc đối tượng bí mật quốc gia”.
Các mặt hàng nhập khẩu của công ty thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hoá nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công an ban hành kèm theo Thông tư số 14/2012/TT-BCA ngày 20/03/2012 của Bộ Công an. Do đó khi nhập khẩu phải đảm bảo điều kiện chất lượng hàng hoá theo quy định tại điều 7 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP.
Theo hướng dẫn tại Công văn số 5887/PCCC-CNCH-P9 ngày 09/12/2015 của Cục cảnh sát PCCC & CNCH thì “trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy phải được kiểm soát chất lượng hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trước khi thông quan và quy định cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thực hiện chức năng kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy”.
Thư Viện Pháp Luật