Hướng dẫn thủ tục xuất khẩu hàng tượng gỗ
1. Về chính sách mặt hàng
Do cá nhân không nêu rõ tượng Phật được làm từ gỗ rừng tự nhiên trong nước hay gỗ có nguồn gốc nhập khẩu,... nên chúng tôi không thể hướng dẫn chi tiết. Công ty có thể tham khảo các trường hợp sau:
1.1. Trường hợp mặt hàng của công ty được sản xuất từ gỗ rừng tự nhiên trong nước.
Căn cứ vào khoản 2 Điều 7 và khoản 1, khoản 3 Điều 8 Mục 1 Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT ngày 12/02/2015 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ có quy định:
“Điều 7. Cấm xuất khẩu
Cấm xuất khẩu gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ thuộc các trường hợp sau:
2. Xuất khẩu vì mục đích thương mại sản phẩm làm từ gỗ thuộc Nhóm IA do Chính phủ quy định (trừ gỗ là tang vật xử lý tịch thu theo quy định hiện hành của Nhà nước và những trường hợp quy định tại Điều 8 Thông tư này) và Phụ lục I của CITES khai thác từ tự nhiên.
Điều 8. Xuất khẩu theo điều kiện hoặc theo giấy phép
1. Gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ chỉ được xuất khẩu khi có hồ sơ lâm sản hợp pháp theo quy định hiện hành của pháp luật. Khi xuất khẩu, thương nhân kê khai hàng hoá với cơ quan Hải quan về số lượng, chủng loại và chịu trách nhiệm về nguồn gốc gỗ hợp pháp.
3. Gỗ và sản phẩm làm từ gỗ thuộc các Phụ lục của CITES phải có Giấy phép CITES do Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam cấp”
Như vậy, khi làm thủ tục xuất khẩu tượng bằng gỗ (trừ sản phẩm gỗ cấm xuất khẩu quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 04/2015/TT-BNNPTNN), ngoài bộ hồ sơ hải quan theo quy định tại điều 16 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015, công ty phải thực hiện theo quy định tại điều 8 Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT. Tuy nhiên, khi làm thủ tục hải quan công ty không phải xuất trình hồ sơ lâm sản nhưng phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc gỗ hợp pháp.
1.2 Trường hợp mặt hàng của công ty được sản xuất từ nguồn gốc gỗ khác (không phải từ gỗ rừng tự nhiên trong nước).
Hồ sơ xuất khẩu thực hiện theo quy định tại 16 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính.
2. Về mã HS
- Do công ty chỉ nêu tên hàng hoá không nêu rõ thành phần, cấu tạo của hàng hoá nên chúng tôi không thể tư vấn chính xác mã HS của hàng hoá. Công ty có thể tham khảo các văn bản quy phạm pháp luật sau để làm căn cứ xác định mã HS phù hợp:
+ Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân tích phân loại hàng hóa.
+ Chú giải của Hệ thống hài hoà mô tả và mã hoá hàng hóa của Hội đồng hợp tác Hải quan Thế giới.
- Căn cứ vào Biểu Thuế xuất nhập nhập khẩu ưu đãi 2016 ban hành theo Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ có hiệu lực kể từ ngày 01/09/2016, tuỳ thuộc vào thực tế hàng hoá nhập khẩu,công ty có thể tham khảo các phân nhóm sau:
+ Phân nhóm 44.20 : Gỗ khảm và dát; tráp và các loại hộp đựng đồ trang sức hoặc đựng dao kéo, và các sản phẩm tương tự, bằng gỗ; tượng nhỏ và đồ trang trí khác, bằng gỗ; các loại đồ nội thất bằng gỗ không thuộc Chương 94.
+ Phân nhóm 44.21: Các sản phẩm bằng gỗ khác
Lưu ý, căn cứ để áp mã số thuế là căn cứ vào hàng hóa thực tế nhập khẩu của công ty tại thời điểm nhập khẩu, trên cơ sở doanh nghiệp cung cấp catalogue, tài liệu kỹ thuật (nếu có) hoặc/và đi giám định tại Trung tâm phân tích phân loại của Hải quan (nay là Cục Kiểm định các khu vực). Kết quả kiểm tra thực tế của hải quan nơi công ty làm thủ tục và kết quả phân tích phân loại xác định là cơ sở pháp lý và chính xác để áp mã đối với hàng hóa nhập khẩu đó.
- Để xác định chính xác mã số HS, trước khi làm thủ tục hải quan, công ty có thể đề nghị xác định trước theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.
Thư Viện Pháp Luật