Hướng dẫn thủ tục nhập khẩu Máy In UV phẳng
1. Về mã HS
- Căn cứ để áp mã số thuế là căn cứ vào hàng hóa thực tế nhập khẩu của công ty tại thời điểm nhập khẩu, trên cơ sở doanh nghiệp cung cấp catalogue, tài liệu kỹ thuật (nếu có) hoặc/và đi giám định tại Cục Kiểm định Hải quan. Kết quả kiểm tra thực tế của hải quan nơi công ty làm thủ tục và kết quả của Cục Kiểm định Hải quan xác định là cơ sở pháp lý và chính xác để áp mã đối với hàng hóa nhập khẩu đó.
- Do công ty không cung cấp tài liệu kỹ thuật, catalogue, hình ảnh của hàng hóa nhập khẩu nên Tổ tư vấn không thể có câu trả lời chính xác cho câu hỏi nêu trên.
- Căn cứ Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ, công ty có thể tham khảo phân nhóm 84.43: Máy in sử dụng các bộ phận in như khuôn in (bát chữ), trục lăn và các bộ phận in khác của nhóm 84.42; máy in khác, máy copy (copying machines) và máy fax, có hoặc không kết hợp với nhau; bộ phận và các phụ kiện của chúng.
- Khi phân loại hàng hóa cần tham khảo các quy định sau:
+ Sáu (6) quy tắc tổng quát giải thích việc phân loại hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam dựa trên Hệ thống hài hoà mô tả và mã hoá hàng hoá (HS) của Tổ chức Hải quan thế giới ban hành kèm Thông tư số 103/2015/TT-BTC ngày 01/07/2015 của Bộ Tài chính.
+ Thông tư 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân tích phân loại hàng hóa.
+ Chú giải của Hệ thống hài hoà mô tả và mã hoá hàng hóa của Hội đồng hợp tác Hải quan Thế giới.
- Để xác định chính xác mã số HS, trước khi làm thủ tục hải quan, công ty có thể đề nghị xác định trước theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.
2. Về chính sách mặt hàng
2.1. Trường hợp thiết bị mới 100%.
Căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 27 Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/06/2014 của Chính phủ quy định:
“Điều 27. Nhập khẩu thiết bị in
1. Thiết bị in sau đây khi nhập khẩu phải có giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông:
a) Máy chế bản ghi phim, ghi kẽm, tạo khuôn in;
b) Máy in sử dụng công nghệ kỹ thuật số, ốp-xét (offset), flexo, ống đồng; máy in lưới (lụa);
c) Máy dao xén giấy, máy gấp sách, máy đóng sách (đóng thép hoặc khâu chỉ), máy vào bìa, máy kỵ mã liên hợp, dây chuyền liên hợp hoàn thiện sản phẩm in;
d) Máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu”.
Căn cứ khoản 1 điều 2 và khoản 1 điều 5 Thông tư số 16/2015/TT-BTTTT ngày 17/06/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định:
“Điều 2. Hàng hóa trong lĩnh vực in, phát hành xuất bản phẩm theo mã số HS
1. Hàng hóa trong lĩnh vực in:
Hàng hóa trong lĩnh vực in bao gồm: thiết bị, linh kiện, phụ tùng theo mô tả và mã số HS thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông thuộc các nhóm:
a) 84.40;
b) 84.42;
c) 84.43”.
“Điều 5. Hàng hóa nhập khẩu trong lĩnh vực in
1. Hàng hóa quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư này là thiết bị sử dụng điện năng có trong Danh mục và phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này”.
Công ty căn cứ các quy định trên để biết mặt hàng của công ty có thuộc diện phải xin giấy phép hay không. Trường hợp phải có giấy phép nhập khẩu thì hồ sơ thủ tục thực hiện theo quy định tại điều 6 Thông tư số 16/2015/TT-BTTTT.
2.2. Trường hợp máy in đã qua sử dụng
Trường hợp Công ty nhập khẩu máy in đã qua sử dụng, cần đối chiếu Phụ lục số 01 (Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu) ban hành kèm theo Thông tư số 31/2015/TT-BTTTT ngày 29 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông để thực hiện.
Thư Viện Pháp Luật