Hướng dẫn thủ tục chuyển khẩu hàng hóa
1. Vướng mắc 1
- Căn cứ Khoản 1, 2 Điều 3 và điều 14 Nghị định 87/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ về thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài
“Điều 3. Quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu
1. Đối với thương nhân Việt Nam không có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (dưới đây gọi tắt là thương nhân):
Trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật khác, thương nhân được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh.
…
2. Đối với thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài, công ty và chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam:
Các thương nhân, công ty, chi nhánh khi tiến hành hoạt động thương mại thuộc phạm vi điều chỉnh tại Nghị định này, ngoài việc thực hiện các quy định tại Nghị định này, còn thực hiện theo các quy định khác của pháp luật có liên quan, các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và lộ trình do Bộ Công Thương công bố.
…
Điều 14. Chuyển khẩu hàng hóa
Thương nhân được kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa theo quy định sau:
1. Trừ hàng hóa quy định tại Khoản 2 Điều này, các loại hàng hóa khác đều được phép kinh doanh theo phương thức chuyển khẩu; thủ tục chuyển khẩu qua cửa khẩu Việt Nam giải quyết tại Chi cục Hải quan cửa khẩu…”
Do đó, theo khoản 1 đều 3 Nghị định 87/2013/NĐ-CP thì thương nhân được hiểu là thương nhân Việt Nam không có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài mới thực hiện kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa được quy định tại điều 14 ở trên.
Ngoài ra, việc kinh doanh liên quan mua bán trực tiếp hàng hoá tại Việt Nam của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo các quyền được quy định phải căn cứ vào Giấy phép đầu tư hay Giấy phép kinh doanh được cấp.
2. Vướng mắc 2
Căn cứ điểm a khoản 1 điều 34 Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ quy định:
“Điều 34. Hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất
1. Hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế nhập khẩu nhưng phải tái xuất được hoàn thuế nhập khẩu và không phải nộp thuế xuất khẩu, gồm:
a) Hàng hóa nhập khẩu nhưng phải tái xuất ra nước ngoài hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan để sử dụng trong khu phi thuế quan.
Việc tái xuất hàng hóa phải được thực hiện bởi người nhập khẩu ban đầu hoặc người được người nhập khẩu ban đầu ủy quyền, ủy thác xuất khẩu”;
Theo quy định trên, trường hợp công ty xuất trả hàng hoá cho chính nhà cung cấp với các trường hợp hàng không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, hàng hoá không có nhu cầu sử dụng,... thì được hoàn thuế theo quy định tại điều 34 Nghị định 134/2016/NĐ-CP. Riêng việc hoàn thuế nhập khẩu đối với trường hợp tái xuất sang nước thứ ba như công ty nêu thuộc về trường hợp hoàn thuế loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất mà công ty chưa được cấp phép thực hiện theo Giấy phép đầu tư được cấp.
Thư Viện Pháp Luật