Nguồn kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020

Nguồn kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020 gồm những nguồn nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Hoài Thương hiện đang sống và làm việc tại Long An. Tôi hiện đang tìm hiểu về Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020. Vậy Ban biên tập cho tôi hỏi nguồn kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020 gồm những nguồn nào? Vấn đề này được quy định cụ thể tại văn bản nào? Mong Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Chân thành cảm ơn và chúc sức khỏe Ban biên tập. 

Nguồn kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020 được quy định tại Điều 3 Thông tư 103/2017/TT-BTC về quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, theo đó: 

Kinh phí thực hiện Chương trình gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác.

1. Ngân sách trung ương

a) Bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương (sau đây viết tắt là Bộ, cơ quan trung ương) để thực hiện nhiệm vụ được giao của Chương trình;

b) Bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để triển khai các Dự án của Chương trình (trừ các nhiệm vụ do ngân sách địa phương đảm bảo theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này).

2. Ngân sách địa phương

a) Đảm bảo nguồn lực từ ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ do ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định tại Quyết định số 899/QĐ-TTg, cụ thể:

- Dự án 1: Kinh phí nâng cao năng lực tư vấn, hướng nghiệp, tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp và kiểm tra, đánh giá thực hiện Dự án tại địa phương;

- Dự án 2: Kinh phí thực hiện các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cấp huyện, xã; kiểm tra, đánh giá thực hiện Dự án tại địa phương;

- Dự án 3: Kinh phí hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá thực hiện Dự án tại địa phương.

b) Bố trí vốn đối ứng để cùng với ngân sách trung ương hỗ trợ triển khai có hiệu quả các Dự án của Chương trình theo quy định tại Quyết định số 899/QĐ-TTg.

3. Riêng đối với kinh phí thực hiện hoạt động tuyên truyền, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động quy định tại điểm e khoản 3 Mục VI Điều 1 Quyết định số 899/QĐ-TTg thực hiện như sau:

a) Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương để thực hiện các hoạt động tuyên truyền, huấn luyện sau:

- Huấn luyện mẫu về an toàn, vệ sinh lao động cho các đối tượng thuộc mục tiêu của Dự án;

- Tư vấn và hỗ trợ mở rộng hoạt động huấn luyện an toàn vệ sinh lao động đến các đối tượng thuộc mục tiêu của Dự án (dựa trên các lớp huấn luyện mẫu) đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn;

- Triển khai các hoạt động tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc dưới hình thức các cuộc thi an toàn, vệ sinh lao động; tọa đàm, diễn đàn, đối thoại trực tiếp với người lao động và người sử dụng lao động; phát hành các ấn phẩm truyền thông về an toàn vệ sinh lao động đã được các cơ quan trung ương xây dựng;

- Triển khai các hoạt động tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng (đài phát thanh, truyền hình, báo, tạp chí) về an toàn, vệ sinh lao động; trong đó tập trung tuyên truyền về các các biện pháp phòng chống tai nạn lao động, bệnh tật liên quan đến lao động và việc triển khai mở rộng áp dụng hệ thống quản lý, các mô hình thí điểm, hỗ trợ, tư vấn về an toàn, vệ sinh lao động;

- Trực tiếp tư vấn, hỗ trợ thông tin cải thiện điều kiện lao động (dựa trên các tài liệu hướng dẫn của Tổ chức Lao động quốc tế) đến các doanh nghiệp, làng nghề, hợp tác xã có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

b) Ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí để thực hiện các hoạt động tuyên truyền, huấn luyện sau:

- Huấn luyện truyền thông viên, giảng viên nguồn về an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương;

- Tuyên truyền, huấn luyện nâng cao năng lực về an toàn, vệ sinh lao động cho cán bộ cấp phường, xã;

- Các hoạt động tuyên truyền trực tiếp tại nơi làm việc dưới hình thức xây dựng và phát hành các ấn phẩm truyền thông đặc thù của địa phương (tranh áp phích, tờ rơi, sách, phim tuyên truyền...); hội nghị, hội thảo tuyên truyền theo các chuyên đề liên quan đến lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động; triển khai mô hình chia sẻ thông tin trong cụm doanh nghiệp, chuỗi kinh doanh về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.

4. Nguồn huy động, đóng góp của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước và các nguồn tài chính hợp pháp khác.

Trên đây là tư vấn về nguồn kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo tại Thông tư 103/2017/TT-BTC. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn. 

Chào thân ái và chúc sức khỏe! 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - An toàn lao động

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào