Việc huy động vốn để phát triển nhà ở xã hội được quy định như thế nào?
Việc huy động vốn để phát triển nhà ở xã hội được quy định tại Điều 10 Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, cụ thể như sau:
- Nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư được huy động từ các nguồn sau đây:
+ Vốn đầu tư trực tiếp từ ngân sách trung ương; vốn trái phiếu Chính phủ (nếu có); quỹ phát triển nhà ở của địa phương (nếu có), quỹ của Bộ Quốc phòng được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật (nếu có); ngân sách địa phương hỗ trợ hàng năm theo quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, công trái nhà ở; huy động từ các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật;
+ Vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA và các nguồn vốn khác vay của nước ngoài (nếu có).
- Nguồn vốn ngoài ngân sách do các thành phần kinh tế (bao gồm cả hộ gia đình, cá nhân) tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội huy động, gồm:
+ Vốn tự có của chủ đầu tư dự án hoặc của hộ gia đình, cá nhân;
+ Vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc từ các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định theo quy định tại Chương III của Nghị định này;
+ Phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu của doanh nghiệp đầu tư;
+ Vay vốn thương mại của các tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật;
+ Vay từ Quỹ phát triển nhà ở của địa phương (nếu có), quỹ của Bộ Quốc phòng được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật (nếu có);
+ Các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung câu trả lời về việc huy động vốn để phát triển nhà ở xã hội. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật