Hướng dẫn thủ tục nhập khẩu thuốc thú y
1/ Chính sách hàng hóa:
- Căn cứ điểm 1 mục B phần III Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ thì mặt hàng thuốc thú y và nguyên liệu sản xuất thuốc thú y đăng ký nhập khẩu lần đầu vào Việt Nam là mặt hàng phải có Giấy phép khảo nghiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Căn cứ Điều 19, Điều 20 Thông tư 04/2015/TT-BNNPTNT ngày 12/02/2015 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định:
“Điều 19. Nhập khẩu có giấy phép
1. Nhập khẩu vắc xin, chế phẩm sinh học, vi sinh vật có giấy chứng nhận lưu hành tại Việt Nam hoặc có trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam phải được sự đồng ý bằng văn bản của Cục Thú y và phải kiểm tra chất lượng theo quy định của pháp luật.
2. Thuốc thú y chưa có giấy chứng nhận lưu hành hoặc chưa có trong Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, được nhập khẩu trong các trường hợp sau:
a) Nguyên liệu để sản xuất thuốc thú y có giấy chứng nhận lưu hành;
b) Làm mẫu để nghiên cứu, kiểm nghiệm, chẩn đoán xét nghiệm, khảo nghiệm, đăng ký lưu hành;
c) Chất chuẩn, mẫu chuẩn để chẩn đoán, xét nghiệm về thú y; thuốc thú y tham gia trưng bày triển lãm, hội chợ, phòng, chữa bệnh cho động vật quý hiếm;
d) Viện trợ của các tổ chức quốc tế và các hình thức nhập khẩu phi mậu dịch khác;
đ) Phòng, chống dịch bệnh động vật khẩn cấp, khắc phục hậu quả thiên tai.
3. Trong trường hợp có dịch bệnh khẩn cấp, việc nhập khẩu vắc xin thú y chưa có Giấy chứng nhận lưu hành tại Việt Nam dùng để phòng chống dịch do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định.
Điều 20. Nhập khẩu không cần giấy phép
Thuốc thú y có giấy chứng nhận lưu hành tại Việt Nam hoặc có trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam thì được phép nhập khẩu, xuất khẩu (trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 19 Thông tư này) và phải kiểm tra chất lượng theo quy định của pháp luật.”
Đề nghị công ty kiểm tra mặt hàng thuốc thú y dự tính nhập khẩu xem có trong danh mục phân bón được phép nhập khẩu không cần giấy phép hay không. Nếu chưa có trong danh mục thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của Cục Thú Y. Hồ sơ, thủ tục xin cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc thú y thực hiện theo quy định tại Điều 21 Thông tư 04/2015/TT-BNNPTNT ngày 12/02/2015 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Thủ tục, hồ sơ hải quan nhập khẩu thực hiện theo quy định hiện hành tại Điều 16 và 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính.
2./ Chính sách thuế:
Khi nhập khẩu thuốc thú y về Việt Nam, Công ty phải kê khai nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng. Muốn biết mức thuế phải nộp, trước hết phải xác định được mã số HS chi tiết của hàng hóa.
Việc xác định chi tiết mã HS của một mặt hàng phải căn cứ vào tính chất, thành phần cấu tạo,… của hàng hóa thực tế nhập khẩu. Đề nghị Công ty căn cứ vào thực tế hàng hóa nhập khẩu và áp dụng 06 (sáu) quy tắc phân loại tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư Thông tư 103/2015/TT-BTC ngày 01/07/2015 của Bộ Tài để xác định mã HS phù hợp với hàng hóa thực tế hoặc trước khi làm thủ tục hải quan Công ty có thể đề nghị xác định trước mã số hàng hóa xuất khẩu theo quy định tại Điều 7 Thông tư Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính.
Sau khi xác định được mã số HS của hàng hóa thực tế nhập khẩu, đề nghị Công ty tra cứu mức thuế suất thuế nhập khẩu quy định tại Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ.
Thư Viện Pháp Luật