Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng sẽ bị xử lý ra sao?
Theo quy định tại Điều 165 Bộ Luật hình sự 1999 thì hình phạt đối với tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng được quy định cụ thể như sau:
"1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."
Căn cứ vào nội dung thắc mắc của bạn và quy định được Ban biên tập trích dẫn trên đây thì người nào cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng sẽ bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm (Khoản 3 Điều 165 Bộ Luật hình sự 1999).
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm (Khoản 4 Điều 165 Bộ Luật hình sự 1999).
Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2018 (ngày Bộ Luật hình sự 2015 có hiệu lực thi hành) thì tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” được quy đinh tại Điều 165 Bộ Luật hình sự 1999 sẽ không còn nữa. Thay vào đó, tội này sẽ được cụ thể hóa bằng các tội phạm được quy định tại Mục 3 Chương XVIII Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về các tội phạm khác xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế, đơn cử như các tội sau:
- Điều 217. Tội vi phạm quy định về cạnh tranh
- Điều 218. Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản
- Điều 219. Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí
- Điều 220. Tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng
- Điều 221. Tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng
- Điều 222. Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng
- Điều 223. Tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng
- Điều 224. Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng
- Điều 230. Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
Theo quy định tại Nghị quyết số 41/2017/QH14 thì đối với hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 của BLHS 1999 xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01/01/2018, mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 để xử lý.
Trường hợp vụ án đã được xét xử và đã có bản án, quyết định của Tòa án thì không được căn cứ vào BLHS năm 2015, để kháng cáo, kháng nghị theo hướng không phạm tội.
Nếu sau thời điểm 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018, hành vi tội phạm mới bị phát hiện thì không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của BLHS năm 1999 mà áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội danh tương ứng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
Trên đây là nội dung tư vấn về hình phạt đối với tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Bộ Luật hình sự 1999.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật