Sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng trong ngành Giao thông vận tải
Theo quy định tại Điều 27 Thông tư 22/2015/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành thì Sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng trong ngành Giao thông vận tải được quy định như sau:
1. Quỹ thi đua, khen thưởng được sử dụng để:
a) Chi in ấn giấy chứng nhận, giấy khen, bằng khen, làm các kỷ niệm chương, huy hiệu, cờ thi đua, khung bằng khen.
b) Chi tiền thưởng hoặc tặng phẩm lưu niệm cho các cá nhân, tập thể.
c) Bộ Giao thông vận tải chi các khoản kinh phí để in ấn bằng, làm khung bằng khen, cờ thi đua, huy hiệu đối với các danh hiệu và hình thức khen thưởng do Bộ trưởng quyết định.
d) Chi cho công tác tổ chức, chỉ đạo các phong trào thi đua: Mức trích không quá 20% trong tổng quỹ thi đua, khen thưởng của từng cấp để chi cho các nhiệm vụ sau:
- Chi tổ chức các cuộc họp của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng;
- Chi xây dựng, tổ chức và triển khai các phong trào thi đua; chi tập huấn nghiệp vụ thi đua, khen thưởng; chi tổ chức hội nghị ký kết giao ước thi đua; hội nghị sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến;
- Chi phát động các phong trào thi đua, khen thưởng theo đợt, chuyên đề, thường xuyên, cao điểm trong ngành, lĩnh vực, trong phạm vi cơ quan, đơn vị, Bộ, ngành, địa phương; các hoạt động thi đua, khen thưởng cụm, khối; chi kiểm tra, chỉ đạo, giám sát việc thực hiện phong trào thi đua, khen thưởng;
- Một số khoản chi khác phục vụ trực tiếp cho công tác tổ chức, chỉ đạo phong trào thi đua.
2. Tập thể, cá nhân được khen thưởng ngoài việc được công nhận các danh hiệu thi đua, Cờ thi đua, danh hiệu vinh dự Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước; tặng thưởng Huân chương, Huy chương, Bằng khen, Kỷ niệm chương, Giấy khen kèm theo khung bằng khen; còn được thưởng tiền hoặc hiện vật có giá trị tương đương quy định tại các Điều 71, 72, 73, 75 và 76 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP theo nguyên tắc:
a) Danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao hơn thì mức tiền thưởng cao hơn;
b) Trong cùng một hình thức, cùng một mức khen, mức tiền thưởng đối với tập thể cao hơn mức tiền thưởng đối với cá nhân;
c) Trong cùng một thời điểm, giai đoạn, cùng một đối tượng khen thưởng nếu đạt được các danh hiệu thi đua khác nhau cùng cấp, thì chỉ được nhận tiền thưởng (hoặc tặng phẩm kèm theo) của danh hiệu thi đua ở mức thưởng cao nhất. (Ví dụ: Năm 2014, ông Nguyễn Văn A được công nhận là “Lao động tiên tiến” sau đó được công nhận danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở” năm 2014, thì chỉ được nhận tiền thưởng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”);
d) Trong cùng một thời điểm, cùng một đối tượng đạt được nhiều danh hiệu thi đua, các danh hiệu có thời gian, giai đoạn khác nhau thì được nhận tiền thưởng của các danh hiệu đó. (Ví dụ: Năm 2012, 2013, 2014 ông Nguyễn Văn A được tặng thưởng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”, kết thúc năm 2014 được tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua ngành Giao thông vận tải” thì ông Nguyễn Văn A được nhận tiền thưởng của danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở” năm 2014 và cả tiền thưởng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua ngành Giao thông vận tải”);
đ) Trong cùng một thời điểm, cùng một đối tượng vừa đạt danh hiệu thi đua vừa đạt hình thức khen thưởng thì được nhận tiền thưởng của danh hiệu thi đua và cả hình thức khen thưởng. (Ví dụ: Năm 2014 ông Nguyễn Văn A được tặng thưởng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở” và cũng trong năm 2014 được tặng Bằng khen của Bộ trưởng thì ông Nguyễn Văn A được nhận tiền thưởng của danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở” và tiền thưởng Bằng khen của Bộ trưởng).
3. Người Việt Nam ở nước ngoài, cá nhân, tập thể người nước ngoài được khen thưởng kèm theo tặng phẩm lưu niệm tương ứng (không kèm theo tiền thưởng).
Trên đây là nội dung tư vấn về Sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng trong ngành Giao thông vận tải. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 22/2015/TT-BGTVT.
Trân trọng!