Di chúc không có người làm chứng, chứng thực hoặc công chứng thì có hợp pháp không?

Di chúc không có người làm chứng, chứng thực hoặc công chứng thì có hợp pháp không? Xin chào Ban biên tập, tôi tên là Quang Chiến. Tôi đang làm việc và sinh sống tại Hà Nội. Tôi có thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập giải đáp giúp tôi, cụ thể là: Trước khi mất, bố tôi đã lập di chúc (bố đã ký tên trong di chúc) để lại di sản cho anh trai tôi và tôi. Tuy nhiên, di chúc do bố lập không có người làm chứng và cũng không có chứng thực hay công chứng. Vậy di chúc này có được xem là hợp pháp hay không? Và nếu di chúc này không hợp pháp thì anh em tôi phải làm như thế nào để xác nhận di chúc đó đúng là do bố tôi đã tạo lập? Mong Ban biên tập có thể tư vấn giúp tôi? Xin chân thành cảm ơn và chúc Quý Ban biên tập nhiều sức khỏe! (quangchien***@gmail.com)

Theo quy định tại Điều 624 Bộ luật dân sự năm 2015 thì: "Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết"

Như vậy, việc bố bạn lập di chúc mà không có người làm chứng và cũng không được chứng thực hay công chứng không ảnh hưởng đến tính hợp pháp của di chúc.

Và theo quy định từ Điều 627 đến Điều 636 Bộ luật dân sự năm 2015 thì di chúc có thể được lập bằng văn bản (có thể có người làm chứng, được công chứng, chứng thực) hoặc lập bằng miệng.

Trường hợp bố bạn lập di chúc mà không có người làm chứng, công chứng, chứng thực và đã ký vào di chúc chỉ được coi là hợp pháp nếu có đủ các điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015:

- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Điều 631 Bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:

- Ngày, tháng, năm lập di chúc;

- Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

- Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

- Di sản để lại và nơi có di sản.

Ngoài các nội dung nêu trên, di chúc có thể có các nội dung khác. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.

Nếu di chúc của bố bạn không hợp pháp (một phần hoặc toàn bộ) thì di sản (một phần hoặc toàn bộ) sẽ được chia theo pháp luật (Điểm b Khoản 1 Điều 650 Bộ luật dân sự năm 2015).

Trên đây là nội dung tư vấn về vấn đề di chúc không có người làm chứng, chứng thực hoặc công chứng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Bộ Luật dân sự 2015.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Công chứng

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào