Thủ tục xét thi đua, khen thưởng trong ngành Giao thông vận tải

Thủ tục xét thi đua, khen thưởng trong ngành Giao thông vận tải được quy định như thế nào? Xin chào Ban Biên tập. Tôi tên Minh Phương, hiện nay tôi đang sinh sống và làm việc tại Bình Dương. Tôi cần tìm hiểu một số quy định liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Giao thông vận tải. Ban Biên tập cho tôi hỏi: Thủ tục xét thi đua, khen thưởng trong ngành Giao thông vận tải được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định vấn đề này? Mong sớm nhận được câu trả lời của Ban Biên tập. Tôi xin chân thành cảm ơn.   

Theo quy định tại Điều 18 Thông tư 22/2015/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành thì Thủ tục xét thi đua, khen thưởng trong ngành Giao thông vận tải được quy định như sau:

1. Xét thi đua, khen thưởng theo thủ tục chung

a) Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ có trách nhiệm:

Thẩm định hồ sơ, tóm tắt thành tích, báo cáo Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ xét duyệt đối với các hình thức: Khen thưởng của Nhà nước, Cờ thi đua của Chính phủ, Cờ thi đua xuất sắc của Bộ, danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc (đối với các trường hợp đề nghị từ Huân chương Độc lập hạng Ba trở lên và danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc phải có ý kiến của Ban Cán sự Đảng Bộ trước khi trình). Thủ tục trình phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.

Thẩm định hồ sơ, báo cáo Bộ trưởng xem xét quyết định tặng: Bức trướng của Bộ Giao thông vận tải, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển Giao thông vận tải Việt Nam”, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc”, danh hiệu “Chiến sỹ thi đua ngành Giao thông vận tải” (đối với danh hiệu “Chiến sỹ thi đua ngành Giao thông vận tải” thì lập danh sách xin ý kiến bằng văn bản một số thành viên trong Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ có liên quan).

b) Căn cứ thành tích trong năm, tập thể và cá nhân có thể được xem xét tặng danh hiệu thi đua cao hơn, bằng hoặc thấp hơn danh hiệu đã được đăng ký đầu năm tùy thuộc vào tính chất, mức độ thành tích đã đạt được.

c) Việc hiệp y đối với các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của Nhà nước được thực hiện theo quy định tại Điều 84 Luật Thi đua, khen thưởng và các khoản 13, 14 và 15 Điều 53 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP.

d) Hồ sơ trình gửi về Bộ Giao thông vận tải, đồng thời gửi thư điện tử đến địa chỉ [email protected] (ở định dạng .doc đối với tờ trình, danh sách, báo cáo thành tích; ở định dạng .pdf đối với các hồ sơ khác có liên quan, trừ văn bản có nội dung thuộc bí mật Nhà nước).

đ) Đối với cơ quan, đơn vị có nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, khi lập hồ sơ đề nghị các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước cho cơ quan, đơn vị hoặc cá nhân là Thủ trưởng cơ quan, đơn vị đó phải có văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền với nội dung sau: Xác nhận số tiền nộp thuế, nộp Bảo hiểm xã hội và các khoản thu khác thực tế đã nộp trong năm so với đăng ký; tỷ lệ % về số nộp ngân sách nhà nước so với năm trước; xác nhận đã nộp đủ, đúng các loại thuế, các khoản thu khác theo quy định của pháp luật và nộp đúng thời hạn.

2. Xét khen thưởng theo thủ tục đơn giản

Việc khen thưởng theo thủ tục đơn giản được thực hiện theo quy định tại Điều 85 Luật Thi đua, khen thưởng. Tùy theo thành tích đột xuất mà tập thể, cá nhân đạt được và phạm vi ảnh hưởng mà có hình thức khen thưởng là Huân chương, Huy chương, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hoặc Giấy khen của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Đối với những trường hợp truy tặng, đơn vị trực tiếp quản lý cá nhân làm báo cáo thành tích và các hồ sơ, thủ tục khác đề nghị khen thưởng theo quy định.

Trên đây là nội dung tư vấn về Thủ tục xét thi đua, khen thưởng trong ngành Giao thông vận tải. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 22/2015/TT-BGTVT.

Trân trọng!

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào