Trường hợp miễn trừ đối với tập trung kinh tế bị cấm theo Luật Cạnh tranh

Trường hợp miễn trừ đối với tập trung kinh tế bị cấm được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Nguyễn Văn Thanh, tôi đang có nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực cạnh tranh và quản lý cạnh tranh. Tôi đang có thắc mắc cần Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Cho tôi hỏi, trường hợp miễn trừ đối với tập trung kinh tế bị cấm được quy định cụ thể ra sao? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn! Nguyễn Văn Thanh (nguyenthanh*****@gmail.com)

Theo quy định tại Điều 19 Luật cạnh tranh 2004 thì trường hợp miễn trừ đối với tập trung kinh tế bị cấm được quy định cụ thể như sau:

Tập trung kinh tế bị cấm quy định tại Điều 18 của Luật cạnh tranh 2004 (cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 19 của Luật cạnh tranh 2004 hoặc trường hợp doanh nghiệp sau khi thực hiện tập trung kinh tế vẫn thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật) có thể được xem xét miễn trừ trong các trường hợp sau đây:

- Một hoặc nhiều bên tham gia tập trung kinh tế đang trong nguy cơ bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản;

- Việc tập trung kinh tế có tác dụng mở rộng xuất khẩu hoặc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ.

Trong đó, tập trung kinh tế là hành vi của doanh nghiệp bao gồm:

- Sáp nhập doanh nghiệp là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập.

- Hợp nhất doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của các doanh nghiệp bị hợp nhất.

- Mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp mua toàn bộ hoặc một phần tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối toàn bộ hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp bị mua lại.

- Liên doanh giữa các doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp cùng nhau góp một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới.

- Các hành vi tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn về trường hợp miễn trừ đối với tập trung kinh tế bị cấm. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Luật cạnh tranh 2004.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào