Việc kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định được quy định như thế nào?
Việc kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định được quy định tại Điều 4 Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Cụ thể như sau:
- Doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô được đăng ký khai thác trên tuyến trong quy hoạch và được cơ quan quản lý tuyến chấp thuận.
- Tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh có cự ly từ 300 ki lô mét trở lên phải xuất phát và kết thúc tại bến xe khách từ loại 1 đến loại 4 hoặc bến xe loại 5 thuộc địa bàn huyện nghèo theo quy định của Chính phủ.
- Nội dung quản lý tuyến bao gồm:
+ Xây dựng, công bố và thực hiện quy hoạch mạng lưới tuyến;
+ Xây dựng và công bố biểu đồ chạy xe trên tuyến, công bố tuyến đưa vào khai thác, chấp thuận khai thác tuyến, điều chỉnh tần suất chạy xe;
+ Theo dõi, tổng hợp tình hình hoạt động vận tải của các doanh nghiệp, hợp tác xã, bến xe trên tuyến; thống kê sản lượng hành khách, dự báo nhu cầu đi lại của hành khách trên tuyến;
+ Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải theo tuyến đúng quy định.
- Doanh nghiệp, hợp tác xã phải ký hợp đồng với đơn vị kinh doanh bến xe khách và tổ chức vận tải theo đúng phương án khai thác tuyến đã được duyệt; được đề nghị tăng, giảm tần suất, ngừng khai thác trên tuyến theo quy định.
- Đơn vị kinh doanh bến xe khách cung cấp các dịch vụ hỗ trợ vận tải cho doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định; kiểm tra và xác nhận điều kiện đối với xe ô tô và lái xe trước khi cho xe xuất bến.
Trên đây là nội dung câu trả lời về việc kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật