Xử lý kỷ luật công chức, viên chức ngành kiểm sát nhân dân vi phạm trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc kinh doanh, thương mại
Xử lý kỷ luật công chức, viên chức ngành kiểm sát nhân dân vi phạm trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc kinh doanh, thương mại được quy định tại Điều 21 Quy định về xử lý kỷ luật trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định 183/QĐ-VKSTC-T1 năm 2016, cụ thể:
1. Người có một trong những vi phạm sau đây, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
a) Vi phạm các quy định về xây dựng hồ sơ kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; kiểm sát thi hành án dân sự;
b) Thiếu trách nhiệm dẫn đến không đề xuất hoặc không kháng nghị theo thẩm quyền đối với bản án, quyết định của Toà án có vi phạm pháp luật nghiêm trọng dẫn đến vụ án có vi phạm nhưng không khắc phục được;
c) Để xảy ra trường hợp Tòa án tuyên hủy án sơ thẩm hoặc phúc thẩm có liên quan đến trách nhiệm của Viện kiểm sát;
d) Vi phạm các quy định khác của pháp luật, quy chế, quy định của Ngành về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; công tác kiểm sát thi hành án dân sự.
2. Người có một trong những vi phạm sau đây thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc hạ bậc lương:
a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác cố ý để quá thời hạn xử lý, giải quyết đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà không có lý do chính đáng dẫn đến bản án, quyết định có sai phạm nghiêm trọng mà không khắc phục được;
b) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác cố ý không báo cáo, không yêu cầu khắc phục hoặc kiến nghị xử lý vi phạm trong quá trình kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật, trong việc kiểm sát thi hành án dân sự;
c) Vi phạm một trong những quy định tại khoản 1 Điều này nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Người có một trong những vi phạm tại khoản 2 Điều này gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc.
Trên đây là tư vấn về xử lý kỷ luật công chức, viên chức ngành kiểm sát nhân dân vi phạm trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc kinh doanh, thương mại. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo tại Quyết định 183/QĐ-VKSTC-T1 năm 2016. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chào thân ái và chúc sức khỏe!
Thư Viện Pháp Luật