Những việc Công an nhân dân phải thông báo để nhân dân biết trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

Những việc Công an nhân dân phải thông báo để nhân dân biết trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được quy định như thế nào? Xin chào Ban Biên tập. Tôi tên Hoàng Oanh, hiện nay tôi đang sinh sống và làm việc tại Quận 3, Tp.HCM. Tôi cần tìm hiểu một số quy định liên quan đến trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Ban Biên tập cho tôi hỏi: Những việc Công an nhân dân phải thông báo để nhân dân biết trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định vấn đề này? Mong sớm nhận được câu trả lời của Ban Biên tập. Tôi xin chân thành cảm ơn.       

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 54/2009/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông do Bộ Công an ban hành thì Những việc Công an nhân dân phải thông báo để nhân dân biết trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được quy định như sau:

1. Trong công tác tuần tra, kiểm soát và chỉ huy, điều khiển giao thông:

a) Tên đơn vị (cục, phòng, đội, trạm), trụ sở, số điện thoại của Thủ trưởng, trực ban, số điện thoại đường dây nóng của cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân;

b) Trang phục và các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ khi làm nhiệm vụ;

c) Nhiệm vụ, quyền hạn và quy trình tuần tra kiểm soát, chỉ huy điều khiển giao thông và dẫn đoàn;

d) Các trường hợp được dừng phương tiện giao thông để kiểm tra, kiểm soát;

đ) Quyền và nghĩa vụ của công dân khi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát và chỉ huy, điều khiển giao thông.

2. Trong công tác đăng ký, cấp biển số, quản lý phương tiện giao thông:

a) Địa chỉ, sơ đồ nơi làm việc, lịch giải quyết các công việc về đăng ký, cấp biển số, quản lý phương tiện giao thông;

b) Thủ tục đăng ký, cấp biển số phương tiện giao thông theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an;

c) Lệ phí đăng ký phương tiện giao thông;

d) Các hành vi vi phạm và hình thức xử phạt các hành vi vi phạm quy định về đăng ký, cấp biển số phương tiện giao thông;

đ) Địa điểm, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến công tác đăng ký, cấp biển số, quản lý phương tiện giao thông;

e) Các quy định khác của Nhà nước và của Bộ Công an về đăng ký, quản lý phương tiện giao thông.

3. Trong công tác xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông và giải quyết các vụ tai nạn giao thông:

a) Nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của Công an nhân dân trong xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông;

b) Quy trình xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và giải quyết tai nạn giao thông;

c) Các hành vi vi phạm và hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông;

d) Những trường hợp khám, tạm giữ, thời hạn, địa điểm tạm giữ đối với người hoặc tang vật, phương tiện giao thông, giấy phép lái xe và các giấy tờ khác có liên quan;

đ) Những quy định về việc thông báo hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đến nơi cư trú hoặc nơi công tác, học tập của người vi phạm;

e) Địa điểm, thời gian, người có thẩm quyền giải quyết các hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông hoặc các vụ tai nạn giao thông và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân.

Trên đây là nội dung tư vấn về Những việc Công an nhân dân phải thông báo để nhân dân biết trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 54/2009/TT-BCA.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Công an nhân dân

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào