Viện kiểm sát trực tiếp kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 41 Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành kèm Quyết định 501/QĐ-VKSTC năm 2017 thì Viện kiểm sát trực tiếp kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự được quy định như sau:
1. Viện kiểm sát các cấp trực tiếp kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự tại cơ sở giam giữ, cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp và cấp dưới, cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự theo quy định tại Điều 22 và Điều 25 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Điều 141 Luật Thi hành án hình sự, Điều 6 và Điều 42 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
2. Viện kiểm sát các cấp căn cứ vào Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; kế hoạch, chương trình công tác của Viện kiểm sát cấp trên và của đơn vị mình để định kỳ trực tiếp kiểm sát. Khi định kỳ trực tiếp kiểm sát có thể kiểm sát toàn diện hoặc kiểm sát một số nội dung trong công tác tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự.
Theo yêu cầu của cấp ủy, Hội đồng nhân dân hoặc khi xét thấy cần thiết, Viện kiểm sát trực tiếp kiểm sát đột xuất trong việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự.
3. Viện kiểm sát định kỳ trực tiếp kiểm sát như sau:
a) Định kỳ trực tiếp kiểm sát tại nhà tạm giữ, trại tạm giam trong việc tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam và hồ sơ quản lý tạm giữ, tạm giam. Việc kiểm sát được tiến hành hàng ngày tại nhà tạm giữ; ít nhất hai lần một tuần tại trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, trại tạm giam cấp quân khu; hàng tháng tại trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng;
b) Định kỳ trực tiếp kiểm sát tại nhà tạm giữ, trại tạm giam theo từng nội dung hoặc kiểm sát toàn diện về việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục phạm nhân. Việc kiểm sát được tiến hành vào Quý I, và Quý III; 06 tháng đầu năm và 06 tháng cuối năm tiến hành kiểm sát toàn diện.
Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện kiểm sát toàn diện một năm một lần trong việc tạm giữ hình sự đối với buồng tạm giữ thuộc Đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn nếu có việc bắt, tạm giữ hình sự;
c) Số lượng các cuộc trực tiếp kiểm sát tại cơ quan thi hành án hình sự thuộc Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự thuộc Công an cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện theo quy định của Hệ thống chỉ tiêu cơ bản đánh giá kết quả công tác nghiệp vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân (ban hành kèm theo Quyết định số 379/QĐ-VKSTC ngày 10/10/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao).
4. Việc trực tiếp kiểm sát do Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên được phân công tiến hành có sự tham gia của Kiểm tra viên và phải có quyết định, kế hoạch kiểm sát, khi kết thúc phải có kết luận bằng văn bản.
Trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này thì không cần quyết định, kế hoạch kiểm sát và kết luận, nhưng phải được ghi vào Sổ kiểm sát; nếu phát hiện vi phạm thì phải lập biên bản với cơ sở giam giữ.
Trường hợp trực tiếp kiểm sát đột xuất thì không cần kế hoạch kiểm sát.
5. Trực tiếp kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều này được thực hiện như sau:
a) Trước khi tiến hành trực tiếp kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên xây dựng văn bản đề xuất thành phần Đoàn, thời điểm, thời gian tiến hành, dự thảo quyết định, kế hoạch trực tiếp kiểm sát (nếu có) để lãnh đạo Viện kiểm sát xem xét, quyết định.
Trước khi tiến hành ít nhất 05 ngày làm việc, Viện kiểm sát gửi quyết định, kế hoạch tới đơn vị được kiểm sát; đồng thời, gửi quyết định trực tiếp kiểm sát đến cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của đơn vị được kiểm sát để phối hợp chỉ đạo thực hiện. Trường hợp trực tiếp kiểm sát đột xuất thì không phải gửi trướcquyết định.
Trưởng Đoàn kiểm sát phân công thành viên Đoàn nghiên cứu tình hình chấp hành pháp luật, ưu điểm, những vi phạm, tồn tại, lưu ý (nếu có) và kết luận trực tiếp kiểm sát kỳ trước (nếu có) của đơn vị được kiểm sát để phục vụ cho công tác trực tiếp kiểm sát;
b) Tổ chức công bố quyết định, kế hoạch trực tiếp kiểm sát và nghe cơ quan được kiểm sát báo cáo về số liệu, tình hình chấp hành pháp luật; ưu điểm, vi phạm, tồn tại và đề xuất, kiến nghị trong việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự. Thành phần tham dự công bố quyết định do Trưởng đoàn thống nhất với đơn vị được kiểm sát;
c) Trưởng đoàn phân công cho các thành viên trực tiếp kiểm sát theo các nội dung trong Kế hoạch. Trong quá trình kiểm sát, các thành viên Đoàn thông qua Trưởng đoàn để yêu cầu đơn vị được kiểm sát cung cấp sổ sách, các báo cáo, văn bản, tài liệu có liên quan và hồ sơ quản lý tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự để kiểm sát; trực tiếp kiểm sát tại buồng tạm giữ, buồng tạm giam, buồng giam, buồng thăm gặp, buồng kỷ luật, nơi bán hàng căng tin, trạm xá, nơi lao động của phạm nhân và những nơi khác có liên quan; gặp hỏi người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người chấp hành án phạt tù về việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự; yêu cầu người liên quan giải trình và tiến hành xác minh (nếu thấy cần thiết).
Trong quá trình kiểm sát, nếu phát hiện vi phạm, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải lập biên bản xác định rõ sự việc, vi phạm, tồn tại có ký xác nhận của đại diện đơn vị được kiểm sát. Sau khi kết thúc kiểm sát, thành viên Đoàn báo cáo kết quả kiểm sát với Trưởng đoàn để tổng hợp, xây dựng dự thảo kết luận.
- Thành viên được phân công làm Thư ký có trách nhiệm tập hợp kết quả trực tiếp kiểm sát của các thành viên trong Đoàn để xây dựng dự thảo kết luận, trình Trưởng đoàn xem xét.
Khi phát hiện có vi phạm pháp luật, tồn tại trong việc thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự của cơ quan, người có thẩm quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, Viện kiểm sát ban hành kết luận, kháng nghị, kiến nghị theo quy định của pháp luật và Điều 42, Điều 43 Quy chế này. Khi kết luận về các vi phạm, cần nêu rõ căn cứ pháp lý của vi phạm làm cơ sở cho việc kết luận.
Trường hợp qua trực tiếp kiểm sát mà phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc xem xét trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm thì Trưởng đoàn trực tiếp kiểm sát phải báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát (ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì báo cáo Vụ trưởng để báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát) trước khi ký kết luận trực tiếp kiểm sát.
- Dự thảo kết luận trực tiếp kiểm sát, dự thảo kháng nghị (nếu có), dự thảo kiến nghị (nếu có) phải được xây dựng ngay sau khi kết thúc cuộc trực tiếp kiểm sát. Thành phần tham dự công bố các dự thảo này do Trưởng đoàn thống nhất với đơn vị được kiểm sát.
Trưởng đoàn tự mình hoặc phân công thành viên Đoàn công bố dự thảo kết luận trực tiếp kiểm sát, dự thảo kháng nghị (nếu có), dự thảo kiến nghị (nếu có). Sau khi công bố các dự thảo này, nếu đơn vị được kiểm sát có ý kiến thì Trưởng đoàn trao đổi, tiếp thu ý kiến (nếu có) để hoàn thiện.
Thành viên do Trưởng đoàn phân công phải lập biên bản toàn bộ quá trình công bố dự thảo kết luận trực tiếp kiểm sát, dự thảo kháng nghị (nếu có), dự thảo kiến nghị (nếu có) và có ký xác nhận của lãnh đạo đơn vị được kiểm sát và Trưởng đoàn trực tiếp kiểm sát.
Trên đây là nội dung tư vấn về Viện kiểm sát trực tiếp kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Quyết định 501/QĐ-VKSTC năm 2017.
Trân trọng!