Công tác kiểm sát việc thực hiện chế độ quản lý giam giữ được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 7 Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành kèm Quyết định 501/QĐ-VKSTC năm 2017 thì Công tác kiểm sát việc thực hiện chế độ quản lý giam giữ được quy định như sau:
1. Viện kiểm sát kiểm sát việc thực hiện chế độ quản lý giam giữ của cơ sở giam giữ theo quy định tại Chương III Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và các quy định của pháp luật khác có liên quan, trong đó chú trọng một số nội dung sau:
a) Việc phân loại quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
b) Việc thực hiện chế độ quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
c) Việc thực hiện trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
d) Việc chuyển giao người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
đ) Việc gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
e) Việc kỷ luật người bị tạm giữ, người bị tạm giam vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ;
g) Việc quản lý đồ vật, tư trang, tiền, tài sản của người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
h) Việc giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam bỏ trốn;
i) Việc giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết;
2. Khi phát hiện vi phạm, tồn tại trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam thì Viện kiểm sát thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu cơ quan quản lý, cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam khắc phục ngay và có biện pháp chấn chỉnh, tổ chức phòng ngừa theo quy định của pháp luật và Quy chế này.
Trên đây là nội dung tư vấn về Công tác kiểm sát việc thực hiện chế độ quản lý giam giữ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Quyết định 501/QĐ-VKSTC năm 2017.
Trân trọng!