Xử phạt hành vi quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về sản phẩm được quảng cáo với sản phẩm khác

Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về sản phẩm được quảng cáo với sản phẩm khác sẽ bị xử phạt như thế nào? Xin chào Ban biên tập. Tôi tên là Ái Khanh, tôi sinh sống và làm việc tại Bắc Ninh. Tôi có thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Ban biên tập cho tôi hỏi: Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về sản phẩm được quảng cáo với sản phẩm khác sẽ bị xử phạt như thế nào? Và mức xử phạt là bao nhiêu? Văn bản nào quy định về vấn đề này? Tôi hy vọng sớm nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn! (khanh***@gmail.com)

Căn cứ theo quy định tại Điểm b Khoản 5 và Điểm a, c Khoản 7 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo thì việc quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về sản phẩm được quảng cáo với sản phẩm khác sẽ bị xử phạt như sau:

5. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

b) Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 68, Điểm a Khoản 3 Điều 69 và Khoản 4 Điều 70 Nghị định này;

...

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này;

...

c) Buộc cải chính thông tin đối với hành vi quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 5 Điều này.

Ngoài ra, Ban biên tập thông tin thêm đến bạn những trường hợp ngoại lệ thuộc Điểm b Khoản 5 bao gồm:

- Khoản 4 Điều 68:

"Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo thực phẩm chức năng và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc;

b) Lợi dụng hình thức thầy thuốc hướng dẫn cách phòng bệnh, chữa bệnh hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc bằng các bài viết trên báo, bằng các chương trình phát thanh, truyền hình để quảng cáo thuốc;

c) Quảng cáo thuốc sử dụng một trong các thông tin, hình ảnh sau: hình ảnh người bệnh; sơ đồ tác dụng của thuốc mà chưa được nghiên cứu, đánh giá; hình ảnh, tên của thầy thuốc để giới thiệu thuốc.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc cải chính thông tin đối với hành vi quy định tại các điểm a, c và d Khoản 3, Khoản 4 Điều này;

b) Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều này."

- Điểm a Khoản 3 Điều 69:

"Quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng như thuốc gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc"

- Khoản 4 Điều 70:

"Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm;

b) Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

c) Quảng cáo thực phẩm chức năng dưới dạng liệt kê công dụng của từng thành phần của sản phẩm.”

Như vậy, đối với hành vi bạn thắc mắc (quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về sản phẩm được quảng cáo với sản phẩm khác) có thể sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng. Đồng thời, những quảng cáo đó sẽ bị buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa và cải chính thông tin.

Trên đây là nội dung quy định về việc xử phạt hành vi quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về sản phẩm được quảng cáo với sản phẩm khác. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Xử lý vi phạm trong quảng cáo

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào