Quảng cáo không đúng chủng loại của hàng hóa, dịch vụ sẽ bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điểm a Khoản 5 và Điểm a, c Khoản 7 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo thì việc quảng cáo không đúng chủng loại của hàng hóa, dịch vụ sẽ bị xử phạt như sau:
5. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 68, Điểm c Khoản 3 Điều 69, Điểm a Khoản 2 Điều 72, Điểm b Khoản 1 Điều 75 và Khoản 1 Điều 78 Nghị định này;
...
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này;
...
c) Buộc cải chính thông tin đối với hành vi quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 5 Điều này.
Như vậy, đối với hành vi bạn thắc mắc (quảng cáo không đúng chủng loại của hàng hóa, dịch vụ) có thể sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng. Đồng thời, những quảng cáo đó sẽ bị buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa và cải chính thông tin.
Ngoài ra, Ban biên tập thông tin thêm đến bạn những trường hợp ngoại lệ thuộc Điểm a Khoản 5 bao gồm:
- Điểm d Khoản 3 Điều 68:
"Quảng cáo thuốc thiếu một trong các tài liệu sau: tên thuốc; tên hoạt chất; chỉ định, trừ các chỉ định điều trị bệnh lao, bệnh phong, bệnh lây qua đường tình dục, bệnh ung thư, bệnh khối u, bệnh đái tháo đường hoặc bệnh rối loạn chuyển hóa tương tự, chứng mất ngủ kinh niên và chỉ định mang tính kích dục; chống chỉ định hoặc khuyến cáo cho các đối tượng đặc biệt như người có thai, người đang cho con bú, người già, trẻ em, người mắc bệnh mãn tính; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; khuyến cáo “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng".
- Điểm c Khoản 3 Điều 69:
"Quảng cáo mỹ phẩm thiếu một trong các nội dung sau: tên mỹ phẩm; tính năng, công dụng chủ yếu của mỹ phẩm trừ trường hợp tính năng, công dụng đã được thể hiện trên tên của sản phẩm; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; các cảnh báo theo quy định."
- Điểm a Khoản 2 Điều 72:
"Quảng cáo không đúng với tính năng, tác dụng của trang thiết bị y tế"
- Điểm b Khoản 1 Điều 75:
"Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh của tổ chức, cá nhân kinh doanh giống về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, thời hạn bảo hành của giống cây trồng."
- Khoản 1 Điều 78:
"Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo sai sự thật về bản chất, công dụng, chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của thức ăn chăn nuôi".
Trên đây là nội dung quy định về việc xử phạt hành vi quảng cáo không đúng chủng loại của hàng hóa, dịch vụ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật