Thủ tục ngừng đình công được pháp luật quy định như thế nào?
Thủ tục ngừng đình công được pháp luật quy định tại Điều 10 Nghị định 46/2013/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật lao động về tranh chấp lao động, cụ thể như sau:
- Thủ tục ngừng đình công thực hiện theo quy định sau đây:
+ Khi xét thấy cuộc đình công đang diễn ra thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 3, Khoản 4 và Khoản 5 Điều 8 Nghị định này, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện về việc ngừng đình công;
+ Ngay sau khi nhận được báo cáo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định ngừng đình công, đồng thời gửi Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Đề nghị ngừng đình công gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gồm: tên doanh nghiệp đang diễn ra đình công; địa điểm đình công; thời điểm bắt đầu đình công; phạm vi diễn ra đình công; số lượng người lao động đang tham gia đình công; yêu cầu của tập thể lao động; lý do ngừng đình công; kiến nghị về việc ngừng đình công và các biện pháp để thực hiện quyết định ngừng đình công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
+ Khi nhận được đề nghị ngừng đình công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải có ý kiến để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định;
+ Căn cứ đề nghị ngừng đình công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, ý kiến của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định ngừng đình công.
Quyết định về việc ngừng đình công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải được thông báo ngay cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động và Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động nơi đình công đang diễn ra biết và thực hiện.
- Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nhận được báo cáo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải ra quyết định ngừng đình công.
- Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được quyết định ngừng đình công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phải thực hiện ngừng đình công.
- Trong thời hạn 48 giờ, kể từ khi nhận được quyết định ngừng đình công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về kết quả thực hiện ngừng đình công.
Trên đây là nội dung câu trả lời về thủ tục ngừng đình công được pháp luật quy định. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Nghị định 46/2013/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật