Khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản

Chế độ khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Nguyễn Linh Trâm, tôi đang có nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động thủy sản và quản lý nhà nước về thủy sản. Tôi đang có thắc mắc cần Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Cho tôi hỏi, chế độ khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản được quy định cụ thể ra sao? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn! Nguyễn Linh Trâm (linhtram*****@gmail.com)

Theo quy định tại Điều 35 Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 thì chế độ khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản được quy định cụ thể như sau:

- Thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản phải được khảo nghiệm trong trường hợp có hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản không có tên trong danh mục quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 31 của Luật này.

- Cơ sở khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Có nhân viên kỹ thuật trình độ đại học trở lên về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản hoặc sinh học;

+ Có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với việc khảo nghiệm thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;

+ Đáp ứng điều kiện về an toàn sinh học, bảo vệ môi trường.

- Nội dung khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản như sau:

+ Phân tích thành phần, chất lượng sản phẩm;

+ Đánh giá đặc tính, công dụng của sản phẩm;

+ Đánh giá độc tính, độ an toàn đối với thủy sản nuôi trồng, môi trường và người sử dụng;

+ Nội dung khác theo đặc thù của từng sản phẩm.

- Cơ sở khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản có quyền và nghĩa vụ sau đây:

+ Được tham gia vào hoạt động khảo nghiệm theo quy định của pháp luật;

+ Được thanh toán chi phí khảo nghiệm theo quy định;

+ Từ chối cung cấp thông tin liên quan đến kết quả khảo nghiệm cho bên thứ ba, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;

+ Chịu trách nhiệm về kết quả khảo nghiệm;

+ Bảo đảm an toàn sinh học, bảo vệ môi trường trong quá trình khảo nghiệm;

+ Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện giám sát hoạt động khảo nghiệm trên địa bàn.

- Chính phủ quy định chi tiết Khoản 2 và Khoản 3 Điều 35 Luật Thủy sản 2017; quy định trình tự, thủ tục khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.

Trên đây là nội dung tư vấn về chế độ khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Luật Thủy sản 2017.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Môi trường

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào