Trách nhiệm của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự quản lý công chức, viên chức, người lao động thuộc Tổng cục

Trách nhiệm của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự quản lý công chức, viên chức, người lao động thuộc Tổng cục được quy định như thế nào? Xin chào Ban Biên tập. Tôi tên Khánh Ngọc, hiện nay tôi đang sinh sống và làm việc tại Nha Trang. Vì yêu cầu công việc, tôi cần nghiên cứu một số vấn đề trong quản lý công chức, viên chức, người lao động. Ban Biên tập cho tôi hỏi: Trách nhiệm của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự quản lý công chức, viên chức, người lao động thuộc Tổng cục được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định vấn đề này? Mong sớm nhận câu trả lời của Ban Biên tập. Tôi xin chân thành cảm ơn.   

Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 09/2015/TT-BTP quy định việc phân cấp quản lý công, viên chức, người lao động thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành thì Trách nhiệm của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự quản lý công chức, viên chức, người lao động thuộc Tổng cục được quy định như sau:

1. Giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thống nhất quản lý công chức, viên chức, người lao động thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tư pháp và trước pháp luật đối với việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp.

Giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp hoặc phối hợp với cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức ở địa phương trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, điều động, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và các chính sách khác đối với công chức các cơ quan thi hành án dân sự.

2. Chủ trì phối hợp với Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp:

a) Xây dựng kế hoạch biên chế của Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự trình Bộ trưởng xem xét, báo cáo Bộ Nội vụ theo quy định của pháp luật;

b) Tham mưu, trình Bộ trưởng xem xét, quyết định các nội dung quản lý công chức, viên chức thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp trừ các nội dung quản lý đối với chức danh Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự;

c) Giúp Hội đồng thi tuyển chấp hành viên tổ chức thi tuyển các ngạch chấp hành viên theo quy định của pháp luật;

d) Xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng dài hạn và hàng năm đối với công chức, viên chức, người lao động thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự;

đ) Xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Thi hành án dân sự và Vụ Tổ chức cán bộ trong công tác tổ chức cán bộ thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự.

3. Ban hành Bộ quy trình công tác cán bộ áp dụng thống nhất trong Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự.

4. Khi thực hiện thẩm quyền được phân cấp tại Thông tư này, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm:

a) Thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, các quy định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về quản lý công chức, viên chức, người lao động.

b) Gửi báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phụ trách các văn bản, quyết định về công tác cán bộ ngay sau khi quyết định theo thẩm quyền được phân cấp để quản lý, theo dõi; gửi Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ để theo dõi, lưu hồ sơ công chức theo quy định;

c) Tổ chức thực hiện có hiệu quả về phòng, chống tham nhũng trong việc quản lý công chức, viên chức, người lao động thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự.

5. Tổ chức phổ biến, quán triệt, bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ và các văn bản, quy định của Đảng, Nhà nước và của Bộ Tư pháp về công tác tổ chức cán bộ đối với Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự.

6. Phối hợp với Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng trong việc hoàn tất thủ tục trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các ngạch chấp hành viên; bổ nhiệm, nâng ngạch, chuyển ngạch các ngạch thẩm tra viên thi hành án trong quân đội theo quy định của pháp luật.

7. Kiểm tra hoặc phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp, Thanh tra Bộ Tư pháp kiểm tra, thanh tra đối với Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trong việc thực hiện các nội dung phân cấp về quản lý công chức, viên chức, người lao động quy định tại Thông tư này; thực hiện có hiệu quả việc phòng, chống tham nhũng trong quản lý công chức, viên chức, người lao động thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự.

8. Định kỳ 6 tháng và hàng năm, báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp về tình hình, kết quả thực hiện thẩm quyền đã được phân cấp, chậm nhất vào ngày 31/7 đối với báo cáo 06 tháng và chậm nhất vào ngày 31/01 của năm tiếp theo đối với báo cáo năm và gửi Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp để theo dõi.

Trên đây là nội dung tư vấn về Trách nhiệm của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự quản lý công chức, viên chức, người lao động thuộc Tổng cục. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 09/2015/TT-BTP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Viên chức

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào