Thủ tục thanh toán công tác phí cho cán bộ trong cơ quan Tòa án nhân dân tối cao
Thủ tục thanh toán công tác phí cho cán bộ trong cơ quan Tòa án nhân dân tối cao được quy định tại Khoản 1.4 Điều 5 Quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý sử dụng tài sản công do Tòa án nhân dân tối cao ban hành kèm theo Quyết định 28/2013/QĐ-VP, cụ thể:
Người đi công tác chỉ được thanh toán công tác phí khi có đủ các giấy tờ hợp lệ sau đây:
a) Đối với Lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao thì căn cứ vào lịch công tác tuần đã lưu tại Văn phòng.
b) Đối với cán bộ, công chức khác phải có: Quyết định hoặc văn bản cử đi công tác của người có thẩm quyền, quyết định hoặc văn bản đó phải ghi rõ mục đích hoặc kế hoạch, địa điểm, thời gian công tác; Ngoài ra các loại văn bản như: giấy mời, giấy triệu tập tham dự hội nghị, hội thảo, dự họp của các cơ quan hữu quan có phê duyệt của Lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao hoặc của Thủ trưởng đơn vị cũng có giá trị như quyết định cử đi công tác. Quyết định hoặc văn bản cử Chánh toà, Vụ trưởng, Trưởng ban đi công tác phải được Lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao ký phê duyệt.
c) Giấy đi đường do Văn phòng Toà án nhân dân tối cao cấp.
d) Lãnh đạo Văn phòng chỉ được cấp giấy đi đường cho người đi công tác khi có quyết định hoặc văn bản cử đi công tác của người có thẩm quyền. Cán bộ văn thư căn cứ lệnh cử đi công tác ghi đầy đủ thông tin vào mẫu giấy đi đường khi cấp.
e) Người đề nghị thanh toán phải ghi đầy đủ nội dung theo mẫu in sẵn trên giấy đi đường bao gồm:
- Tên quận, huyện, thành phố, thị xã, tỉnh nơi đến công tác;
- Ngày, giờ đi và về;
- Phương tiện đi (tàu bay, ô tô của cơ quan, tàu hoả, ô tô khách, phương tiện khác);
- Phải có chữ ký xác nhận của người có thẩm quyền và đóng dấu của nơi đến công tác hoặc khách sạn, nhà khách nơi lưu trú (phù hợp với địa điểm đến công tác đã ghi trong Quyết định hoặc văn bản cử đi công tác).
Nếu đi công tác bằng xe ô tô của cơ quan thì: người sử dụng xe ghi tên lái xe vào giấy đi đường của mình, người lái xe phải lấy chữ ký xác nhận của người sử dụng xe về số ngày đi công tác thực tế.
- Liệt kê nội dung đề nghị thanh toán công tác phí bao gồm: tiền thuê phương tiện (nếu có), tiền khoán hoặc thuê nơi nghỉ, tiền phụ cấp lưu trú.
- Thủ trưởng đơn vị cử đi công tác hoặc Trưởng đoàn công tác (nếu đi theo đoàn) ký xác nhận số ngày thực tế đi công tác kể cả thời gian đi trên đường và thời gian công tác của cán bộ trong đơn vị hoặc thành viên trong đoàn;
- Trường hợp người đi công tác là Thủ trưởng đơn vị thì người có thẩm quyền ký xác nhận thời gian công tác thực tế để thanh toán là Lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao hoặc cấp phó của đơn vị; Lãnh đạo Văn phòng không ký và đóng dấu ngày, giờ về đối với giấy đi đường của người đi công tác thuộc đơn vị khác (nếu không thuộc thẩm quyền nêu trên).
f) Nếu đi công tác bằng tàu bay, ngay sau khi kết thúc chuyến công tác thì người đi công tác phải nộp lại cho Nhân viên đặt vé của Văn phòng cuống vé (hoặc vé điện tử) và thẻ lên tàu bay.
Trường hợp người đi công tác tự mua vé tàu bay thì phải có hoá đơn thu tiền mua vé hợp lệ của nơi bán và thẻ lên tàu bay mới được thanh toán tiền vé.
Nếu đi bằng phương tiện giao thông khác phải có vé hoặc hoá đơn thu tiền hợp pháp (ngày, giờ ghi trên vé phải phù hợp với thời gian được cử đi công tác).
g) Hoá đơn dịch vụ nếu có (như cước vận chuyển tài liệu,…).
h) Hoá đơn phòng nghỉ hợp pháp (trong trường hợp thanh toán theo giá thuê phòng thực tế), người đi công tác khi nhận hoá đơn trả tiền phòng nghỉ phải yêu cầu người viết hoá đơn ghi rõ tên số phòng nghỉ, số lượng ngày, đêm nghỉ và đơn giá thuê phòng. Nếu đi công tác theo đoàn thì ngoài hoá đơn tiền nghỉ còn phải có chữ ký xác nhận của từng người trong đoàn vào bảng kê tên số phòng nghỉ, số đêm nghỉ kèm theo.
e) Không thanh toán làm thêm giờ trong thời gian đi công tác.
Trên đây là tư vấn về thủ tục thanh toán công tác phí cho cán bộ trong cơ quan Tòa án nhân dân tối cao. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo tại Quyết định 28/2013/QĐ-VP. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chào thân ái và chúc sức khỏe!
Thư Viện Pháp Luật