Khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản là gì?
Theo quy định tại Khoản 16 Điều 3 Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 thì thuật ngữ khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản được quy định cụ thể như sau:
Khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản là quá trình kiểm tra, đánh giá, xác định đặc tính, công dụng, tác động của thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đến môi trường nuôi, an toàn thực phẩm thủy sản nuôi.
Thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản phải được khảo nghiệm trong trường hợp có hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản không có tên trong danh mục quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 31 của Luật Thủy sản 2017.
Việc khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản phải đảm bảo các nội dung khảo nghiệm sau:
- Phân tích thành phần, chất lượng sản phẩm;
- Đánh giá đặc tính, công dụng của sản phẩm;
- Đánh giá độc tính, độ an toàn đối với thủy sản nuôi trồng, môi trường và người sử dụng;
- Nội dung khác theo đặc thù của từng sản phẩm.
Các cơ sở có nguyện vọng khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Có nhân viên kỹ thuật trình độ đại học trở lên về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản hoặc sinh học;
- Có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với việc khảo nghiệm thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;
- Đáp ứng điều kiện về an toàn sinh học, bảo vệ môi trường.
Trên đây là nội dung tư vấn về thuật ngữ khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Luật Thủy sản 2017.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật