Vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài
Theo quy định tại Điều 29 Luật Quản lý nợ công 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2018 thì việc vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài được quy định cụ thể như sau:
- Các Bộ, ngành, địa phương lập đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
+ Sự cần thiết, mục tiêu, phạm vi của chương trình, dự án;
+ Dự kiến tổng mức, cơ cấu nguồn vốn bao gồm vốn vay nước ngoài và vốn đối ứng;
+ Giá trị khoản vay, bên cho vay và điều kiện, điều khoản vay (nếu có);
+ Đề xuất cơ chế tài chính trong nước; phương án cân đối nguồn trả nợ;
+ Dự kiến kết quả chính của chương trình, dự án.
- Bộ Tài chính chủ trì xác định thành tố ưu đãi, đánh giá tác động của khoản vay mới đối với các chỉ tiêu an toàn nợ công, xác định cơ chế tài chính trong nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt cùng với đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.
- Căn cứ phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan chủ quản lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật.
- Căn cứ chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đã được cấp có thẩm quyền quyết định, cơ quan chủ quản lập báo cáo nghiên cứu khả thi trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật.
- Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tổ chức đàm phán, ký kết thỏa thuận vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài:
+ Trường hợp thỏa thuận vay là điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ trình Chủ tịch nước việc đàm phán, ký kết, phê chuẩn;
+ Trường hợp thỏa thuận vay nhân danh Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chỉ đạo việc tổ chức đàm phán, ký kết.
- Việc ký kết thỏa thuận vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài cho chương trình, dự án phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
+ Hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật;
+ Thỏa thuận vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Phân bổ, sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả theo nguyên tắc sau đây:
+ Cấp phát đối với chương trình, dự án thuộc đối tượng chi ngân sách nhà nước;
+ Cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp vay lại.
- Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.
Trên đây là nội dung tư vấn về việc vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Luật Quản lý nợ công 2017.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật