Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong quản lý nợ công
Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.
Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Theo quy định tại Điều 13 Luật Quản lý nợ công 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2018 thì nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong quản lý nợ công được quy định cụ thể như sau:
- Thống nhất quản lý nhà nước về nợ công.
- Trình Quốc hội:
+ Quyết định, điều chỉnh kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm;
+ Quyết định, điều chỉnh tổng mức vay và trả nợ của ngân sách nhà nước hằng năm.
- Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
+ Cho ý kiến về đề án, dự án và báo cáo về quản lý nợ công;
+ Quyết định việc phát hành công trái xây dựng Tổ quốc.
- Quyết định hạn mức vay về cho vay lại và hạn mức bảo lãnh Chính phủ hằng năm.
- Phê duyệt Đề án phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế.
- Báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước về tình hình nợ công, các chỉ tiêu an toàn nợ công.
Trên đây là nội dung tư vấn về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong quản lý nợ công. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Luật Quản lý nợ công 2017.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật