Chính sách khoa học và công nghệ về lâm nghiệp
Theo quy định tại Điều 97 Luật Lâm nghiệp 2017 (có hiệu lực từ 01/01/2019) thì nội dung này được quy định như sau:
1. Nhà nước có cơ chế, chính sách ưu tiên cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phù hợp với chu kỳ sinh trưởng, phát triển của rừng và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong lâm nghiệp.
2. Nhà nước ưu tiên đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1, các khoản 2, 3 và 6 Điều 96 của Luật này.
3. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ quy định tại các điểm d, e và g khoản 1, khoản 4 và khoản 5 Điều 96 của Luật này.
Hoạt động khoa học và công nghệ về lâm nghiệp tại Điều 96 Luật này bao gồm:
1. Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong các hoạt động sau đây:
a) Điều tra, kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng;
b) Phòng cháy và chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng;
c) Chọn, tạo, nhân giống cây trồng thân gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ;
d) Thâm canh rừng trồng cung cấp gỗ lớn, trồng cây bản địa, trồng rừng hỗn loài; hiện đại hóa quy trình trồng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác rừng;
đ) Phục hồi rừng, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên nghèo;
e) Khai thác, vận chuyển, chế biến và bảo quản lâm sản;
g) Công nghiệp hỗ trợ trong chế biến lâm sản.
2. Nghiên cứu hệ sinh thái rừng, giá trị dịch vụ môi trường rừng.
3. Nghiên cứu giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu.
4. Nghiên cứu đổi mới mô hình tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển rừng bền vững; mô hình lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp bền vững.
5. Chuyển giao công nghệ và kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực lâm nghiệp vào sản xuất, kinh doanh, quản lý lâm nghiệp.
6. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lâm nghiệp.
Trên đây là nội dung tư vấn về chính sách khoa học và công nghệ về lâm nghiệp. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Luật Lâm nghiệp 2017.
Trân trọng!