Tiêu hủy tài liệu hết giá trị của cơ quan thuế được quy định như thế nào?
Việc tiêu hủy tài liệu hết giá trị của cơ quan thuế được quy định tại Điều 10 Quyết định 2205/QĐ-TCT năm 2015 về Quy chế công tác lưu trữ ngành Thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành, cụ thể như sau:
Các đơn vị hoặc bộ phận lưu trữ thuộc cơ quan Thuế các cấp có tài liệu hết giá trị bảo quản cần tiêu hủy phải lập hồ sơ trình Thủ trưởng cơ quan Thuế trực tiếp để chỉ đạo triển khai thực hiện tiêu hủy tài liệu theo đúng trình tự của pháp luật quy định, cụ thể như sau:
1. Lập hồ sơ trình tiêu hủy tài liệu, bao gồm:
- Tờ trình đề nghị tiêu hủy tài liệu;
- Bản thuyết minh tài liệu đề nghị tiêu hủy;
- Danh mục hồ sơ, tài liệu hết giá trị bảo quản, đề nghị tiêu hủy.
2. Thủ trưởng cơ quan Thuế có tài liệu tiêu hủy ra Quyết định thành lập Hội đồng Xác định giá trị tài liệu;
3. Từng thành viên của Hội đồng nghiên cứu danh mục tài liệu và kiểm tra thực tế tài liệu (nếu cần thiết) để xác định những hồ sơ, tài liệu cần giữ lại bảo quản hoặc đã hết giá trị để tiêu hủy;
4. Tập thể Hội đồng xác định giá trị tài liệu họp về danh mục tài liệu tiêu hủy, lập biên bản thống nhất ý kiến;
5. Thẩm tra tài liệu tiêu hủy đối với cơ quan Thuế các cấp:
- Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước thẩm tra và có ý kiến bằng văn bản đối với tài liệu của cơ quan Tổng cục Thuế;
- Chi cục Văn thư lưu trữ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thẩm tra và có ý kiến bằng văn bản đối với tài liệu của các Cục Thuế, Chi cục Thuế.
6. Hoàn thiện danh mục tài liệu tiêu hủy sau khi có ý kiến thẩm định tài liệu theo quy định tại điểm 5 nêu trên;
7. Hoàn thiện hồ sơ lần cuối trình Thủ trưởng cơ quan Thuế ký Quyết định tiêu hủy tài liệu.
8. Thẩm quyền quyết định tiêu hủy tài liệu như sau:
- Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quyết định tiêu hủy tài liệu hết giá trị bảo quản của cơ quan Tổng cục Thuế, sau khi có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước.
- Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố quyết định tiêu hủy tài liệu hết giá trị bảo quản của cơ quan Cục Thuế, sau khi có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Chi cục Văn thư lưu trữ tỉnh, thành phố.
- Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận, huyện quyết định tiêu hủy tài liệu hết giá trị bảo quản của Chi cục Thuế, sau khi có ý kiến thẩm định của Chi cục Văn thư lưu trữ tỉnh, thành phố.
9. Tổ chức tiêu hủy tài liệu hết giá trị.
Những tài liệu hết giá trị bảo quản đã được Thủ trưởng cơ quan Thuế quyết định cho tiêu hủy, Chủ tịch Hội đồng xác định giá trị tài liệu phải tổ chức tiêu hủy tài liệu theo đúng quy định.
- Việc tiêu hủy tài liệu hết giá trị bảo quản của ngành Thuế chỉ được thực hiện sau khi có quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền;
- Khi tiêu hủy tài liệu phải hủy hết thông tin của tài liệu đặc biệt là chữ ký và con dấu trên các văn bản do cơ quan Thuế ban hành;
- Việc tiêu hủy tài liệu phải được lập thành biên bản có xác nhận của Chủ tịch Hội đồng xác định giá trị tài liệu và Ủy viên Lưu trữ được phân công trực tiếp giám sát việc tiêu hủy tài liệu;
Hồ sơ về việc tiêu hủy tài liệu hết giá trị phải được bảo quản tại cơ quan, đơn vị có tài liệu bị tiêu hủy trong thời hạn hai mươi năm, kể từ ngày tài liệu bị tiêu hủy.
Các loại sách báo, tạp chí, các bản sao chụp, trùng thừa, giấy nháp không còn nhu cầu sử dụng, đơn vị có thể tự hủy và Lãnh đạo đơn vị chịu trách nhiệm về việc loại bỏ giấy tờ này theo quy định của Nhà nước.
Trên đây là nội dung câu trả lời về việc tiệc tiêu hủy tài liệu hết giá trị của cơ quan thuế. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Quyết định 2205/QĐ-TCT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật