Khai thác lâm sản trong rừng đặc dụng
Theo quy định tại Điều 52 Luật Lâm nghiệp 2017 (có hiệu lực từ 01/01/2019) thì nội dung này được quy định như sau:
1. Đối với vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, được quy định như sau:
a) Không khai thác lâm sản trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng; không khai thác tận thu cây gỗ đã chết, cây gãy đổ trong phân khu phục hồi sinh thái của rừng đặc dụng;
b) Được khai thác tận thu cây gỗ đã chết, cây gãy đổ, nấm trong phân khu dịch vụ; hành chính của rừng đặc dụng;
c) Được khai thác tận dụng gỗ, củi, thực vật rừng ngoài gỗ, nấm trong phạm vi giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
d) Được thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, nguồn gen sinh vật theo nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Đối với khu rừng bảo vệ cảnh quan, được quy định như sau:
a) Được khai thác tận dụng gỗ, củi, thực vật rừng ngoài gỗ, nấm trong quá trình thực hiện biện pháp lâm sinh để bảo tồn, tôn tạo, khôi phục hệ sinh thái, cảnh quan, văn hóa, lịch sử và trong phạm vi giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
b) Được thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, nguồn gen sinh vật theo nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
c) Đối với rừng tín ngưỡng, được khai thác tận thu cây gỗ đã chết, cây gãy đổ, thực vật rừng, nấm, lâm sản ngoài gỗ; khai thác gỗ phục vụ mục đích chung của cộng đồng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
3. Đối với khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, được quy định như sau:
a) Được khai thác lâm sản theo nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
b) Được khai thác tận dụng gỗ, củi, thực vật rừng ngoài gỗ, nấm trong quá trình thực hiện điều chỉnh tổ thành rừng, nuôi dưỡng rừng và áp dụng biện pháp lâm sinh khác; khai thác tận thu gỗ, củi, thực vật rừng trong phạm vi giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
c) Được khai thác, thu thập các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, vi sinh vật, mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, nguồn gen phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
4. Đối với vườn thực vật quốc gia, rừng giống quốc gia, được quy định như sau:
a) Được khai thác vật liệu giống;
b) Được khai thác tận dụng gỗ, củi, thực vật rừng ngoài gỗ, nấm trong quá trình thực hiện điều chỉnh tổ thành rừng, nuôi dưỡng rừng và áp dụng biện pháp lâm sinh khác; khai thác tận thu gỗ, củi, thực vật rừng, nấm trong phạm vi giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; khai thác tận thu cây gỗ đã chết, cây gãy đổ.
5. Việc khai thác lâm sản trong rừng đặc dụng thực hiện theo quy định của Luật này và Quy chế quản lý rừng.
Trên đây là nội dung tư vấn về khai thác lâm sản trong rừng đặc dụng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Luật Lâm nghiệp 2017.
Trân trọng!