Phát triển rừng đặc dụng
Theo quy định tại Điều 46 Luật Lâm nghiệp 2017 (có hiệu lực từ 01/01/2019) thì nội dung này được quy định như sau:
1. Đối với vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, thực hiện các hoạt động sau đây:
a) Duy trì cấu trúc rừng tự nhiên, bảo đảm sự phát triển tự nhiên của rừng trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng;
b) Phục hồi cấu trúc rừng tự nhiên; áp dụng biện pháp kết hợp tái sinh tự nhiên với làm giàu rừng, trồng loài cây bản địa trong phân khu phục hồi sinh thái của rừng đặc dụng và phân khu dịch vụ, hành chính của rừng đặc dụng;
c) Cứu hộ, bảo tồn và phát triển các loài sinh vật.
2. Đối với khu bảo vệ cảnh quan, thực hiện các hoạt động sau đây:
a) Duy trì diện tích rừng hiện có;
b) Áp dụng biện pháp kỹ thuật trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, làm giàu rừng để nâng cao chất lượng rừng.
3. Đối với khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, thực hiện hoạt động bảo vệ và phát triển rừng theo nhiệm vụ nghiên cứu khoa học do chủ rừng hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.
4. Đối với rừng giống quốc gia, thực hiện hoạt động để duy trì và phát triển rừng theo kế hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
5. Đối với vườn thực vật quốc gia, thực hiện hoạt động sưu tập, chọn lọc, lưu giữ, gây trồng loài cây bản địa gắn với nghiên cứu khoa học, đào tạo, giáo dục môi trường, tham quan du lịch.
Trên đây là nội dung tư vấn về phát triển rừng đặc dụng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Luật Lâm nghiệp 2017.
Trân trọng!