Đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài về khoa học và công nghệ tại Việt Nam

Hoạt động đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài về khoa học và công nghệ tại Việt Nam được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Trung Khánh, tôi đang có nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam. Tôi đang có thắc mắc cần Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Cho tôi hỏi, hoạt động đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài về khoa học và công nghệ tại Việt Nam được quy định cụ thể ra sao? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn! Trung Khánh (trungkhanh*****@gmail.com)

Theo quy định tại Điều 22 Luật khoa học và công nghệ năm 2013 thì hoạt động đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài về khoa học và công nghệ tại Việt Nam có các quyền sau đây:

- Căn cứ vào quy hoạch phát triển nguồn nhân lực quốc gia, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt quy hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trên cơ sở đề xuất của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan nhà nước khác ( Quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ được hướng dẫn bởi Điều 11 Nghị định 40/2014/NĐ-CP ).

- Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, bộ quản lý chuyên ngành tổ chức đào tạo trình độ đại học, sau đại học; phát hiện, đào tạo bồi dưỡng nhân tài để bổ sung nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, bảo đảm cơ cấu ngành, lĩnh vực và vùng miền; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm ( Kế hoạch đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài khoa học và công nghệ được hướng dẫn bởi Điều 12 Nghị định 40/2014/NĐ-CP )

- Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về khoa học và công nghệ cho đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ trên phạm vi cả nước ( được hướng dẫn bởi Điều 13 Nghị định 40/2014/NĐ-CP ).

- Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tự đào tạo, tham gia, tài trợ cho việc đào tạo, đào tạo lại nhân lực, bồi dưỡng nhân tài khoa học và công nghệ; khuyến khích đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực nữ trong hoạt động khoa học và công nghệ; ưu tiên thu hút, đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ cho vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

- Kinh phí thực hiện việc đào tạo nguồn nhân lực quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật khoa học và công nghệ năm 2013 do ngân sách nhà nước bảo đảm. Kinh phí tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật khoa học và công nghệ năm 2013 được lấy từ kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ. Kinh phí tài trợ cho việc đào tạo, đào tạo lại nhân lực về khoa học và công nghệ quy định tại khoản 4 Điều 20 Luật khoa học và công nghệ năm 2013 được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế ( được hướng dẫn bởi Điều 14 Nghị định 40/2014/NĐ-CP ).

- Chính phủ quy định cụ thể về hoạt động đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài về khoa học và công nghệ tại Việt Nam tại Chương 3 Nghị định 40/2014/NĐ-CP

Trên đây là nội dung tư vấn về hoạt động đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài về khoa học và công nghệ tại Việt Nam. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Luật khoa học và công nghệ năm 2013.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào