Quyền của cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam
Theo quy định tại Điều 20 Luật khoa học và công nghệ năm 2013 thì cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam có các quyền sau đây:
- Tự do sáng tạo, bình đẳng trong hoạt động khoa học và công nghệ.
- Tự mình hoặc hợp tác với tổ chức, cá nhân khác để hoạt động khoa học và công nghệ, ký kết hợp đồng khoa học và công nghệ.
- Được tạo điều kiện để tham gia, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo chức năng của tổ chức khoa học và công nghệ mà mình là thành viên.
- Thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ trong một số lĩnh vực theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
- Đăng ký tham gia tuyển chọn hoặc được giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ ( Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia được hướng dẫn bởi Chương II Thông tư 08/2017/TT-BKHCN )
- Được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; chuyển giao, chuyển nhượng kết quả hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.
- Công bố kết quả hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của Luật báo chí, Luật xuất bản và quy định khác của pháp luật.
- Góp vốn bằng tiền, tài sản, giá trị quyền sở hữu trí tuệ để hoạt động khoa học và công nghệ, sản xuất, kinh doanh; nhận tài trợ để hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật.
- Tư vấn, đề xuất ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước với cơ quan có thẩm quyền, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ của tổ chức khoa học và công nghệ mà mình là thành viên và tham gia giám sát việc thực hiện.
- Tham gia tổ chức khoa học và công nghệ, hội, hiệp hội khoa học và công nghệ; tham gia hoạt động đào tạo, tư vấn, hội nghị, hội thảo khoa học và công nghệ; tham gia hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ.
- Được xét công nhận, bổ nhiệm vào chức danh quy định tại Điều 19 của Luật khoa học và công nghệ năm 2013.
- Được khen thưởng, hưởng quyền ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật ( được hướng dẫn bởi Điều 7, 8, 9, 10 Nghị định 40/2014/NĐ-CP )
Trên đây là nội dung tư vấn về quyền của cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Luật khoa học và công nghệ năm 2013.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật