Hạch toán các chi phí và giá liên quan đến sở hữu công nghiệp
Theo quy định tại Điều 32 Nghị định 103/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp thì chế độ hạch toán các chi phí và giá liên quan đến sở hữu công nghiệp được thực hiện cụ thể như sau:
- Các chi phí nhằm các mục đích sau đây được coi là chi phí hợp lý của doanh nghiệp:
+ Chi cho việc tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí; chi cho việc thiết kế mẫu nhãn hiệu, mẫu biểu tượng (logo) doanh nghiệp;
+ Chi cho việc thực hiện các thủ tục đăng ký, duy trì, gia hạn quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bao gồm cả việc thực hiện các thủ tục đó ở nước ngoài;
+ Chi cho việc thực hiện các biện pháp bảo mật bí mật kinh doanh, bảo vệ quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý;
+ Chi cho việc trả thù lao cho tác giả;
+ Chi cho việc mua quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, bí mật kinh doanh.
- Các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, tên thương mại, bí mật kinh doanh và các quyền sở hữu công nghiệp liên quan đang có hiệu lực do doanh nghiệp tạo ra, hoặc được chuyển nhượng, chuyển giao là các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, được tính vào tổng số tài sản của doanh nghiệp.
- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn cách hạch toán chi phí liên quan đến sở hữu công nghiệp và cách định giá tài sản trí tuệ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 32 Nghị định 103/2006/NĐ-CP.
Trên đây là nội dung tư vấn về chế độ hạch toán các chi phí và giá liên quan đến sở hữu công nghiệp. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 103/2006/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật