Không đăng ký bảo vật quốc gia với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị xử phạt như thế nào?

Không đăng ký bảo vật quốc gia với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị xử phạt như thế nào? Xin chào Ban biên tập. Tôi tên là Minh Quyền, tôi sinh sống và làm việc tại Hải Phòng. Tôi có thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Ban biên tập cho tôi hỏi: Không đăng ký bảo vật quốc gia với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị xử phạt như thế nào? Mức xử phạt là bao nhiêu? Văn bản nào quy định về vấn đề này? Tôi hy vọng sớm nhận được giải đáp từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn! (01223***)

Mức xử phạt hành vi không đăng ký bảo vật quốc gia với cơ quan nhà nước có thẩm quyền được quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 23 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo như sau:

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

- Không đăng ký bảo vật quốc gia với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khi thay đổi chủ sở hữu bảo vật quốc gia mà không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Như vậy, đối với hành vi bạn thắc mắc (không đăng ký bảo vật quốc gia với cơ quan nhà nước có thẩm quyền) có thể sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

Ngoài ra, Ban biên tập thông tin thêm đến bạn về thủ tục đăng ký bảo vật quốc gia được quy định tại Thông tư 07/2004/TT-BVHTT hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia do Bộ Văn hóa Thông tin ban hành như sau:

1.Trình tự, thủ tục đăng ký.

- Chủ sở hữu di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia gửi một (01) đơn đề nghị đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia (mẫu phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư 07/2004/TT-BVHTT) tới Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi sở tại bằng cách nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện.

- Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn của chủ sở hữu di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm xem xét và trả lời về thời hạn tổ chức đăng ký.

Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành thủ tục đăng ký, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia (mẫu phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư 07/2004/TT-BVHTT) cho chủ sở hữu di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

2. Nội dung đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

- Việc đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thực hiện bằng Phiếu đăng ký và Sổ đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia (mẫu Phụ lục 2 và Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này).

3. Nội dung Phiếu đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia:

a) Số đăng ký: Do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định.

b) Ngày đăng ký: ghi ngày/tháng/năm hiện vật được đăng ký.

c) Tên hiện vật: Ghi tên hiện vật theo loại hình, chất liệu, trang trí...(ví dụ: Bát sứ men trắng vẽ lam).

d) Phân loại:

- Giám định niên đại và xác định giá trị hiện vật đăng ký là di vật, cổ vật hoặc bảo vật quốc gia theo các tiêu chí quy định tại Điều 4 Luật Di sản văn hóa và Điều 2 của Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa, sau đó đánh dấu (X) vào ô tương ứng:

Di vật: Cổ vật: Bảo vật quốc gia:

- Đối với bảo vật quốc gia phải kèm theo Quyết định công nhận của Thủ tướng Chính phủ.

đ) Số lượng:

- Số lượng hiện vật: nếu hiện vật chỉ gồm một đơn vị hiện vật thì ghi 01 (Ví dụ: Nghiên mực chỉ là một hiện vật thì ghi 01); trường hợp hiện vật gồm nhiều bộ phận hợp thành thì ghi số lượng các bộ phận hợp thành một đơn vị kiểm kê của hiện vật (Ví dụ: Hiện vật là Bộ trang phục nam dân tộc Việt gồm 3 thành phần thì ghi: 03 (quần, áo, khăn); chân đèn gốm gồm hai phần thì ghi 02 (thân đèn, chân đèn). Hiện vật là Bộ ấm chén gồm 01 ấm, 04 chén (ly), 04 đĩa thì ghi số lượng là 09 (một ấm, bốn chén, bốn đĩa).

e) Kích thước:

- Kích thước được tính bằng đơn vị cm. Ghi rõ các kích thước cơ bản của hiện vật: đường kính miệng (ĐKM:), đường kính đáy (ĐKĐ:), cao (C:) ; đối với hiện vật hình hộp ghi kích thước dài (D:), rộng (R:), cao (C:).

- Đối với các kích thước khó xác định thì ghi chú thêm các điểm chuẩn để đo.

g) Trọng lượng:

- Trọng lượng được tính bằng đơn vị gram. Hiện vật là kim loại quý thì ghi theo trọng lượng quy định trên cân tiểu ly.

h) Miêu tả:

Miêu tả ngắn gọn đặc điểm của hiện vật theo trình tự sau đây:

- Tên hiện vật

- Chất liệu.

- Hình dáng (từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài).

- Màu sắc.

- Đề tài trang trí.

- Kỹ thuật trang trí.

- Dấu tích đặc biệt (Ví dụ: vết cháy hay vết mực, vết sứt, mẻ, vỡ...).

i) Nguồn gốc, xuất xứ:

Ghi rõ nguồn gốc của hiện vật:

- Sưu tầm

- Hiến tặng, cho

- Trao đổi, chuyển nhượng

- Mua

- Thừa kế.

- Các hình thức khác.

k) Niên đại:

Căn cứ kết quả giám định ghi niên đại hiện vật theo niên đại tuyệt đối hoặc tương đối và xuất sứ.

- Niên đại tuyệt đối ghi thời điểm hiện vật được chế tác hoặc hình thành chính xác tới năm.

- Niên đại tương đối ghi thời điểm hiện vật được chế tác, hình thành theo thế kỷ hoặc thời kỳ: Kỷ địa chất; Thời kỳ đá cũ, Sơ kỳ đá cũ, Hậu kỳ đá giữa, Thời kỳ đá mới, Thời Lý, Thời Trần, Thời Lê sơ, Thời Nguyễn.v.v.

l) Tình trạng bảo quản:

- Ghi rõ hiện trạng bảo tồn: nguyên, sứt mẻ, vỡ, bị rách, nát, mối mọt, vỡ gắn lại, đã tu sửa...

m) Hội đồng giám định:

- Ghi rõ Hội đồng giám định thuộc địa phương nào. Tên của những người giám định.

n) Thay đổi chủ sở hữu:

- Ghi rõ họ, tên, địa chỉ của các chủ sở hữu cũ cũng như thời gian thay đổi về chủ sở hữu.

o) Họ và tên chủ sở hữu:

- Chủ sở hữu ký tên, ghi rõ họ tên và địa chỉ liên hệ.

p) Số phim: Ghi số phim của ảnh hiện vật.

q) Số phiếu: Ghi số thứ tự của phiếu đăng ký theo quy định của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

ảnh hiện vật: Chụp 02 kiểu ảnh thể hiện các đặc trưng cơ bản của hiện vật. Có thể chụp 01 ảnh tổng thể và 01 ảnh đặc tả chi tiết quan trọng nhất giúp cho việc nghiên cứu giá trị hoặc nhận dạng hiện vật.

Phiếu đăng ký được lập thành hai bản. Tổ đăng ký giữ một bản, chủ sở hữu di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia giữ một bản.

4. Sổ đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

- Nội dung ghi chép trong Sổ đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia là nội dung của Phiếu đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Riêng nội dung mục Miêu tả hiện vật có thể ghi tóm tắt, rút gọn lại. Mục Ghi chú của Sổ đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ghi những vấn đề mà Tổ đăng ký thấy cần lưu ý để theo dõi, quản lý hiện vật.

Trên đây là nội dung quy định về việc xử phạt hành vi không đăng ký bảo vật quốc gia với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào