Rừng tự nhiên được hiểu như thế nào?

Rừng tự nhiên được hiểu như thế nào?  Xin chào Ban Biên tập. Tôi tên Khánh Linh, hiện đang là sinh viên năm thứ ba, trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM. Tôi đang tìm hiểu một số thuật ngữ về lĩnh vực lâm nghiệp để phục vụ cho bài nghiên cứu của tôi. Ban Biên tập cho tôi hỏi: Rừng tự nhiên được hiểu như thế nào? Chủ thể sở hữu rừng tự nhiên là ai? Văn bản nào quy định vấn đề này? Mong nhận câu trả lời của Ban Biên tập. Tôi xin cảm ơn.     

Rừng là một hệ sinh thái bao gồm các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, vi sinh vật, đất rừng và các yếu tố môi trường khác, trong đó thành phần chính là một hoặc một số loài cây thân gỗ, tre, nứa, cây họ cau có chiều cao được xác định theo hệ thực vật trên núi đất, núi đá, đất ngập nước, đất cát hoặc hệ thực vật đặc trưng khác; diện tích liên vùng từ 0,3 ha trở lên; độ tàn che từ 0,1 trở lên.

Theo quy định tại Khoản 6 Điều 2 Luật Lâm nghiệp 2017 (có hiệu lực từ 01/01/2019) thì nội dung này được quy định như sau:

Rừng tự nhiên là rừng có sẵn trong tự nhiên hoặc phục hồi bằng tái sinh tự nhiên hoặc tái sinh có trồng bổ sung.

Về sở hữu rừng: Điều 7 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định:

1. Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đối với rừng thuộc sở hữu toàn dân bao gồm:

a) Rừng tự nhiên;

b) Rừng trồng do Nhà nước đầu tư toàn bộ;

c) Rừng trồng do Nhà nước thu hồi, được tặng cho hoặc trường hợp chuyển quyền sở hữu rừng trồng khác theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng bao gồm:

a) Rừng do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đầu tư;

b) Rừng được nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng từ chủ rừng khác theo quy định của pháp luật.

 Như vậy, rừng tự nhiên thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu.

Trên đây là nội dung tư vấn về rừng tự nhiên và sở hữu rừng tự nhiên. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Luật Lâm nghiệp 2017.

Trân trọng!

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào