Tổ chức hoạt động của lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành
Theo quy định tại Điều 15 Thông tư 66/2014/TT-BCA hướng dẫn Nghị định 79/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi do Bộ Công an ban hành thì tổ chức hoạt động của lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành được quy định cụ thể như sau:
- Tổ chức, biên chế đội dân phòng, tổ dân phòng
+ Đội dân phòng có biên chế từ 10 người đến 20 người, trong đó 01 đội trưởng và 01 đội phó; biên chế trên 20 người đến 30 người được biên chế thêm 01 đội phó. Đội dân phòng có thể được chia thành các tổ dân phòng; biên chế của tổ dân phòng từ 05 đến 10 người, trong đó có 01 tổ trưởng và 01 tổ phó;
+ Cán bộ, đội viên đội dân phòng là những người thường xuyên có mặt tại nơi cư trú;
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định bổ nhiệm đội trưởng, đội phó đội dân phòng, tổ trưởng, tổ phó tổ dân phòng;
+ Công an cấp xã có trách nhiệm tham mưu, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp thành lập đội dân phòng và trực tiếp chỉ đạo hoạt động của đội dân phòng.
- Tổ chức, biên chế đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở hoạt động theo chế độ không chuyên trách
+ Cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới có dưới 10 người thường xuyên làm việc thì tất cả những người làm việc tại cơ sở đó là thành viên đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và do người lãnh đạo cơ sở, chỉ huy phương tiện giao thông cơ giới đó chỉ huy, chỉ đạo;
+ Cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới có từ 10 người đến 50 người thường xuyên làm việc thì biên chế của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở tối thiểu là 10 người, trong đó có 01 đội trưởng;
+ Cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới có trên 50 người đến 100 người thường xuyên làm việc thì biên chế của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở tối thiểu là 15 người, trong đó có 01 đội trưởng và 01 đội phó;
+ Cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới có trên 100 người thường xuyên làm việc thì biên chế của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở tối thiểu là 25 người, trong đó có 01 đội trưởng và 02 đội phó;
+ Phương tiện giao thông cơ giới, cơ sở có nhiều phân xưởng, bộ phận làm việc độc lập hoặc làm việc theo ca thì mỗi bộ phận, phân xưởng, mỗi ca làm việc có 01 tổ phòng cháy và chữa cháy cơ sở; biên chế của tổ phòng cháy và chữa cháy cơ sở tối thiểu từ 05 đến 09 người, do đội trưởng hoặc đội phó kiêm tổ trưởng.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp, quản lý cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới ra quyết định bổ nhiệm đội trưởng, đội phó đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở.
- Tổ chức, biên chế đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở hoạt động theo chế độ chuyên trách
+ Biên chế của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở hoạt động theo chế độ chuyên trách, phải bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy của cơ sở và phù hợp với tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ của cơ sở đó. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý cơ sở xem xét, quyết định về tổ chức, biên chế của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở hoạt động theo chế độ chuyên trách. Đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở hoạt động theo chế độ chuyên trách làm việc theo ca, bảo đảm thường trực 24/24 giờ trong ngày. Ban lãnh đạo đội gồm có 01 đội trưởng và các đội phó giúp việc;
+ Trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở được thực hiện theo quy định của Bộ Công an; cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy hướng dẫn về nghiệp vụ chữa cháy.
- Ngoài các cơ sở phải lập đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành theo quy định tại Khoản 25 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật phòng cháy và chữa cháy thì tại các cơ sở là kho dự trữ quốc gia; kho xăng dầu có trữ lượng 50.000 m³ trở lên; nhà máy điện hạt nhân, nhà máy điện có công suất từ 200 MW trở lên; cơ sở sản xuất giấy 35.000 tấn/năm trở lên, cơ sở sản xuất phân đạm 180.000 tấn/năm trở lên, cơ sở dệt 20 triệu mét vuông/năm; nhà máy lọc dầu; khu công nghiệp, khu chế xuất có diện tích từ 50 héc ta trở lên phải lập đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành.
Biên chế của đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành phải bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy của cơ sở và phù hợp với tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ của cơ sở đó. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý cơ sở xem xét, quyết định về tổ chức, biên chế của đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành. Đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành làm việc theo ca, bảo đảm thường trực 24/24 giờ trong ngày. Ban lãnh đạo đội gồm có 01 đội trưởng và các đội phó giúp việc.
- Người ra quyết định thành lập đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành có trách nhiệm duy trì hoạt động, định kỳ hàng năm tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy, tổ chức phân loại chất lượng hoạt động của đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành.
Trên đây là nội dung tư vấn về tổ chức hoạt động của lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 66/2014/TT-BCA.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật