Chế độ thiết kế, thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy được quy định thế nào?
Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 66/2014/TT-BCA hướng dẫn Nghị định 79/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi do Bộ Công an ban hành thì chế độ thiết kế, thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy được quy định cụ thể như sau:
- Dự án, công trình thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP khi xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng; phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy khi chế tạo mới hoặc hoán cải phải thiết kế bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định và phải do đơn vị có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 41 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP thực hiện.
- Thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy là việc kiểm tra, đối chiếu các giải pháp, nội dung thiết kế dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy, tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế về phòng cháy và chữa cháy được phép áp dụng tại Việt Nam.
- Trình tự, nội dung thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy được thực hiện theo quy định tại Khoản 4 và Khoản 7 Điều 15 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP.
Khi hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công của dự án, công trình, hồ sơ thiết kế kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đáp ứng các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy thì cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy (mẫu số PC03) và đóng dấu đã thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy (mẫu số PC04) vào bản thuyết minh, các bản vẽ đã được thẩm duyệt và trả lại cho chủ đầu tư hoặc chủ phương tiện 01 bộ, cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy trực tiếp thẩm duyệt giữ 01 bộ.
- Dự án, công trình chỉ cải tạo một phần, nếu không ảnh hưởng đến điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy của dự án, công trình đó thì chỉ thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với phần cải tạo.
- Phân cấp thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy
+ Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với dự án, công trình quan trọng quốc gia, dự án đầu tư xây dựng công trình nhóm A (trừ dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng ngân sách nhà nước do cấp tỉnh là chủ đầu tư); dự án, công trình có chiều cao từ 100m trở lên; tàu hỏa chuyên dùng để vận chuyển hành khách, vận chuyển xăng, dầu, chất lỏng dễ cháy, khí cháy, vật liệu nổ, hóa chất có nguy hiểm về cháy, nổ; tàu thủy chuyên dùng để vận chuyển hành khách có chiều dài từ 50m trở lên, vận chuyển xăng, dầu, chất lỏng dễ cháy, khí cháy, vật liệu nổ, hóa chất có nguy hiểm về cháy, nổ có trọng tải toàn phần từ 1.000 tấn trở lên; dự án đầu tư xây dựng công trình do Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh hoặc chủ đầu tư đề nghị;
+ Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy không thuộc thẩm quyền của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn quản lý và những trường hợp do Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ủy quyền.
- Xử lý chuyển tiếp
+ Đối với dự án, công trình quy định tại Phụ lục 3a Nghị định số 46/2012/NĐ-CP ngày 22/5/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy (sau đây viết gọn là Nghị định số 46/2012/NĐ-CP) thuộc danh mục dự án, công trình quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP đã được cơ quan quản lý xây dựng, chủ đầu tư tự thẩm định, phê duyệt thiết kế và đã tổ chức thi công về phòng cháy và chữa cháy trước ngày Nghị định số 79/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì cơ quan quản lý xây dựng, chủ đầu tư tiếp tục nghiệm thu và chịu trách nhiệm về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với dự án, công trình;
+ Đối với dự án, công trình quy định tại Phụ lục 3a Nghị định số 46/2012/NĐ-CP thuộc danh mục dự án, công trình quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP đã được cơ quan quản lý xây dựng, chủ đầu tư tự thẩm định, phê duyệt thiết kế nhưng chưa tổ chức thi công về phòng cháy và chữa cháy sau ngày Nghị định số 79/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì chủ đầu tư phải trình hồ sơ thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Khoản 3 Điều 15 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy để thẩm duyệt theo quy định;
+ Đối với dự án, công trình đã được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy mà chưa thi công hoặc đang thi công về phòng cháy và chữa cháy, nếu có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới về phòng cháy và chữa cháy thì chủ đầu tư tiếp tục tổ chức thi công theo hồ sơ thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đã được thẩm duyệt. Trong trường hợp này, căn cứ vào tình hình thực tế, chủ đầu tư có thể áp dụng các giải pháp điều chỉnh phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới được ban hành.
Trên đây là nội dung tư vấn về chế độ thiết kế, thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 66/2014/TT-BCA.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật