Trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Quy định về về phát hiện, xác định dấu hiệu vi phạm, quyết định kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm (Ban hành kèm theo Quy định số 1319-QĐ/UBKTTW năm 2013) thì nội dung này được quy định như sau:
1- Trách nhiệm
a) Trách nhiệm của cán bộ kiểm tra được phân công theo dõi lĩnh vực, địa bàn:
- Báo cáo kịp thời, khách quan, trung thực, đầy đủ kết quả nắm tình hình, thu thập thông tin, tài liệu, hiện vật về dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên.
- Phát hiện dấu hiệu vi phạm và đề xuất với lãnh đạo vụ (thuộc Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương) hoặc phòng (thuộc cơ quan Ủy ban kiểm tra cấp tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương) hoặc Ủy ban kiểm tra (ở cấp huyện và tương đương, trở xuống) về việc đề nghị Ủy ban kiểm tra hoặc thường trực Ủy ban kiểm tra xác định và quyết định kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên, kể cả cấp ủy viên cùng cấp khi có dấu hiệu vi phạm.
b) Trách nhiệm của lãnh đạo vụ (thuộc Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương) hoặc phòng (thuộc cơ quan Ủy ban kiểm tra cấp tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương) được phân công theo dõi địa bàn, lĩnh vực hoặc Ủy ban kiểm tra cấp huyện và tương đương trở xuống:
- Chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc cán bộ kiểm tra được phân công theo dõi lĩnh vực, địa bàn trong việc: thu thập thông tin, tài liệu, hiện vật về dấu hiệu vi phạm; phát hiện nội dung dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên đề xuất việc xác định và quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.
- Báo cáo xin ý kiến thành viên Ủy ban phụ trách đơn vị về đề xuất việc kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm để đề nghị thường trực Ủy ban hoặc Ủy ban kiểm tra xác định và xem xét, quyết định kiểm tra.
c) Trách nhiệm của thành viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban kiểm tra cấp tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương phụ trách đơn vị theo dõi lĩnh vực, địa bàn:
- Chỉ đạo đơn vị được phân công phụ trách phát hiện, đề xuất việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng cấp dưới hoặc đảng viên đúng quy định.
- Cho ý kiến về đề xuất kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng cấp dưới hoặc đảng viên của đơn vị theo dõi lĩnh vực, địa bàn hoặc của cán bộ kiểm tra trước khi trình thường trực Ủy ban hoặc Ủy ban kiểm tra xem xét, quyết định.
- Báo cáo những vấn đề cần thiết trước khi Ủy ban kiểm tra hoặc thường trực Ủy ban kiểm tra quyết định kiểm tra.
d) Trách nhiệm của thường trực Ủy ban kiểm tra hoặc Ủy ban kiểm tra:
- Chỉ đạo thực hiện việc phát hiện dấu hiệu vi phạm và đề xuất việc xác định, quyết định kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới hoặc đảng viên đúng quy định.
- Quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng cấp dưới hoặc đảng viên đúng thẩm quyền và chịu trách nhiệm về quyết định đó.
- Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban kiểm tra các cấp chỉ đạo việc kiểm tra đối với tổ chức đảng và đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp dưới quản lý khi có dấu hiệu vi phạm; trực tiếp kiểm tra khi thấy cần thiết. Trường hợp có ý kiến khác nhau, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và cấp ủy liên quan có trách nhiệm báo cáo các ý kiến khác nhau đó để Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định; Ủy ban kiểm tra các cấp và cấp ủy liên quan có trách nhiệm báo cáo các ý kiến khác nhau đó để cấp ủy cùng cấp của Ủy bankiểm tra xem xét, quyết định.
Trên đây là nội dung tư vấn về trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Quy định số 1319-QĐ/UBKTTW năm 2013.
Trân trọng!