Quyết định đưa vụ án ra xét xử
Quyết định đưa vụ án ra xét xử là một văn bản tố tụng quan trọng, thể hiện các chi tiết về việc xét xử vụ án (sơ thẩm hoặc phúc thẩm).
Quyết định đưa vụ án ra xét xử do thẩm phán phụ trách vụ án (người sẽ nắm quyền chủ tọa phiên tòa) ban hành.
Theo qui định tại Bộ luật tố tụng dân sự, trong thời hạn một tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà; trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là hai tháng.
Luật không qui định rõ Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải tống đạt (giao) cho các đương sự trước bao nhiêu ngày, nhưng thông thường là khoảng 10 – 15 ngày trước khi xét xử các đương sự (nguyên đơn, bị đơn …) sẽ nhận được văn bản này. ( Thông thường, đây cũng là thời gian để luật sư, viện kiểm sát – nghiên cứu hồ sơ vụ án, để tham dự phiên tòa. Vì lúc này hồ sơ vụ án sẽ ở tình trạng tương đối “đầy đủ”).
Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Tên Toà án ra quyết định;
c) Vụ án được đưa ra xét xử;
d) Tên, địa chỉ của nguyên đơn, bị đơn hoặc người khác khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết vụ án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
đ) Họ, tên Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Toà án và họ, tên Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân dự khuyết, nếu có;
e) Họ, tên Kiểm sát viên tham gia phiên toà, nếu có;
g) Ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm mở phiên toà;
h) Xét xử công khai hoặc xét xử kín;
i) Họ, tên những người được triệu tập tham gia phiên toà.
Chính vì ý nghĩa quan trọng – thể hiện trong các nội dung nói trên, nên nếu vụ án được đưa ra xét xử mà không/chưa có Quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc có sự mâu thuẫn, sai sót giữa nội dung trong quyết định với thực tế - ( Ví dụ như trong quyết định đưa vụ án ra xét xử ghi Hội thẩm nhân dân là ông A và ông B., nhưng khi xét xử thì lại là ông B và ông C) – đều bị xem là những vi phạm tố tụng nghiêm trọng, án có thể bị hủy.
Thư Viện Pháp Luật