Thẩm quyền quản lý nhà nước đối với hoạt động nhượng quyền thương mại được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 35/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại và Khoản 1 Điều 3 Nghị định 120/2011/NĐ-CP thì thẩm quyền quản lý nhà nước đối với hoạt động nhượng quyền thương mại được quy định cụ thể như sau:
- Bộ Thương mại chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động nhượng quyền thương mại trong phạm vi cả nước và có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
+ Quản lý thống nhất về mặt nghiệp vụ và hướng dẫn thực hiện các chính sách, quy định của pháp luật về hoạt động nhượng quyền thương mại; tổ chức đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại;
+ Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc kiểm tra, kiểm soát, đánh giá, báo cáo lên cơ quan cấp trên có thẩm quyền về các hoạt động nhượng quyền thương mại;
+ Kiến nghị với Chính phủ ban hành mới hoặc ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động nhượng quyền thương mại.
- Bộ Tài chính trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn về chế độ thuế áp dụng đối với hoạt động nhượng quyền thương mại và lệ phí đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại.
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động nhượng quyền thương mại trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm sau đây:
+ Thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động nhượng quyền thương mại trong nước trên địa bàn tỉnh;
+ Chỉ đạo Sở Công Thương báo cáo định kỳ hoạt động nhượng quyền thương mại trên địa bàn về Bộ Công Thương.
Trên đây là nội dung tư vấn về thẩm quyền quản lý nhà nước đối với hoạt động nhượng quyền thương mại. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 35/2006/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật