Quy định về việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi Ngân hàng phát triển Việt Nam bảo lãnh doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng thương mại

Việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi Ngân hàng phát triển Việt Nam bảo lãnh doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng thương mại được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Nguyễn Hoài An, tôi đang có nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại. Tôi có thắc mắc cần Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Cho tôi hỏi, việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi Ngân hàng phát triển Việt Nam bảo lãnh doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng thương mại được quy định cụ thể ra sao? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn! Nguyễn Hoài Ân (hoaian*****@gmail.com)

Theo quy định tại Điều 10 Thông tư 47/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định 03/2011/QĐ-TTg về Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành thì việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi Ngân hàng phát triển Việt Nam bảo lãnh doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng thương mại được quy định cụ thể như sau:

- Ngân hàng Phát triển căn cứ nguyên nhân không trả được nợ, hồ sơ chứng minh việc giải ngân vốn vay và các thông tin liên quan của doanh nghiệp và các biện pháp thu hồi nợ đã áp dụng trên cơ sở các cam kết tại hợp đồng tín dụng để xem xét trách nhiệm các bên trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

- Sau thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày đến hạn trả nợ mà doanh nghiệp không trả được nợ hoặc trả nợ không đầy đủ, đúng hạn đối với khoản vay đang được bảo lãnh theo hợp đồng tín dụng hoặc hợp đồng tín dụng điều chỉnh được Ngân hàng Phát triển chấp thuận trong chứng thư bảo lãnh điều chỉnh (nếu có), ngân hàng thương mại không có văn bản yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh kèm theo hồ sơ yêu cầu theo quy định cho Ngân hàng Phát triển (trường hợp không có sự thỏa thuận nào khác với bên bảo lãnh) thì Ngân hàng Phát triển không tiếp nhận hồ sơ yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

- Ngân hàng Phát triển được từ chối thực hiện toàn bộ nghĩa vụ bảo lãnh theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Quy chế bảo lãnh ban hành kèm theo Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg và hướng dẫn cụ thể như sau:

+ Ngân hàng thương mại giải ngân một phần hoặc toàn bộ vốn vay không đúng mục đích đầu tư vào dự án đã ghi trong hợp đồng tín dụng;

+ Doanh nghiệp sử dụng vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay không đúng mục đích đã ghi trong hợp đồng tín dụng và ngân hàng thương mại chưa thực hiện việc kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay đối với doanh nghiệp;

+ Ngân hàng thương mại không thực hiện đúng các nghĩa vụ nêu tại khoản 2 Điều 8 Thông tư 47/2014/TT-BTC (trừ trường hợp nêu tại điểm g khoản 2 Điều 8 Thông tư 47/2014/TT-BTC) để chứng minh ngân hàng thương mại giải ngân vốn vay đúng mục đích và đã thực hiện việc kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay đối với doanh nghiệp đúng quy định;

+ Ngân hàng thương mại không thực hiện chấm dứt ngay việc cho vay, thu hồi nợ trước hạn ngay khi phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm hợp đồng tín dụng, vi phạm pháp luật;

+ Khi cam kết bảo lãnh hết hiệu lực hoặc có bằng chứng chứng minh chứng từ xuất trình là giả mạo.

- Ngân hàng Phát triển được từ chối thực hiện một phần nghĩa vụ bảo lãnh trong các trường hợp sau:

+ Doanh nghiệp sử dụng một phần vốn vay, một phần tài sản hình thành từ vốn vay không đúng mục đích đã ghi trong hợp đồng tín dụng và ngân hàng thương mại chưa thực hiện việc kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay đối với doanh nghiệp;

+ Ngân hàng Phát triển từ chối trả nợ thay đối với số vốn vay tương ứng với tỷ lệ vốn chủ sở hữu không tham gia thực hiện dự án đầu tư theo cơ cấu vốn ban đầu của dự án.

Trên đây là nội dung tư vấn về việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi Ngân hàng phát triển Việt Nam bảo lãnh doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng thương mại. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 47/2014/TT-BTC.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Doanh nghiệp

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào